Tin mới

Hội hữu nghị Việt Nam - Cộng hòa Séc

Společnost Vietnamsko-českého přátelství

Viet Nam - Czech Republic Friendship Association


Hội hữu nghị Việt Nam - Séc thành lập ngày 10/1/1997 theo quyết định số 20/QĐ TTg của Thủ tướng Chính phủ sau khi có quyết định của Thường vụ Bộ Chính trị đồng ý cho giải thể Hội hữu nghị Việt Nam - Tiệp Khắc để thành lập hai hội riêng biệt là Hội hữu nghị Việt Nam - Séc và Hội hữu nghị Việt Nam - Xlôvakia. Ông Nguyễn Xuân Chuẩn, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, làm Chủ tịch Hội khóa I; ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền Thông làm Chủ tịch Hội khóa II và khóa III.

I/ Tôn chỉ, mục đích:

Hội hữu nghị Việt nam - Séc là một tổ chức chính trị- xã hội; là một trong 99 tổ chức thành viên của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; hoạt động theo Điều lệ Hội, Điều lệ của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và tuân thủ luật pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Mục đích hoạt động của Hội hữu nghị Việt Nam-Séc là góp phần vào việc tăng cường và mở rộng quan hệ đoàn kết hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Cộng hoà Séc; làm cầu nối phát triển các quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học, kỹ thuật, giáo dục, văn hoá xã hội giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Séc; tuyên truyền, giới thiệu, thông tin với nhân dân Cộng nhòa Séc và nhân dân Việt Nam về lịch sử, đất nước, con người, nền văn hóa và những thành tựu xây dựng, phát triển đất nước của mỗi nước.

II/ Phạm vi hoạt động và địa vị pháp lý của Hội.

Hội có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản riêng; hoạt động trên phạm vi toàn quốc trong lĩnh vực đối ngoại nhân dân theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, hiệp thương dân chủ và thống nhất hành động, công khai, minh bạch; tự đảm bảo kinh phí hoạt động, không vì mục đích lợi nhuận. Hội chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ và kiểm tra của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các cơ quan Đảng và Nhà nước khác có liên quan đến các lĩnh vực hoạt động của Hội.

Trụ sở của Hội đặt tại 105 A Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội.

III/ Cơ cấu  tổ chức của Hội :

1.   Cơ quan quyền lực:

Đại hội Đại biểu toàn quốc là cơ quan quyền lực cao nhất của Hội, họp 5 năm một lần và họp bất thường khi có 2/3 số ủy viên Ban Chấp hành hoặc trên 1/2 số hội viên chính thức đề nghị. Đại hội  thông qua Báo cáo công tác nhiệm kỳ trước và Phương hướng, nhiệm vụ của nhiệm kỳ tiếp theo của Hội; thông qua Dự thảo Điều lệ Hội sửa đổi khi cần; quyết định số lượng uỷ viên và hiệp thương bầu ra Ban chấp hành Trung ương và Ban Kiểm tra. Từ khi thành lập đến nay, Hội đã tiến hành 3 Đại hội đại biểu toàn quốc ( Đại hội thành lập năm 1997; Đại hội II ngày 12/4/2008 và Đại hội III ngày 30/6/2013).

2.   Cơ cấu tổ chức của Hội gồm :

- Ban Chấp hành Trung ương, là cơ quan quyền lực cao nhất giữa 2 kỳ Đại hội, mỗi năm họp 2 lần và họp bất thường khi có yêu cầu. Ban chấp hành Trung ương bầu các chức danh lãnh đạo Hội gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng thư ký; bầu Ban Thường vụ, Ban Thư ký và thành lập các Tiểu ban chuyên trách nếu thấy cần thiết. Ban Chấp hành Trung ương khóa I có 16 ủy viên; khóa II có 51 ủy viên và khóa III 53 ủy viên. Khi cần thiết, Hội nghị BCH TW có thể bầu bổ sung ủy viên, nhưng không quá 1/3 tổng số uỷ viên do Đại hội đại biểu toàn quốc của Hội bầu ra. Nhiệm kỳ của Ban Chấp hành theo nhiệm kỳ của Đại hội.

-  Ban Thường vụ có số lượng ủy viên do Ban chấp hành quyết định, nhưng  không quá 1/3 số ủy viên Ban Chấp hành, gồm Chủ tịch, các Phó chủ tịch, Tổng Thư ký và một số uỷ viên. Ban Thường vụ họp ít nhất mỗi năm 4 lần hoặc nhiều hơn khi thấy cần thiết. BTV khóa I có 7 ủy viên, khóa II  17 ủy viên và  khóa III có 14 ủy viên.

- Ban Thư ký gồm Tổng thư ký, các Phó tổng thư ký và một số uỷ viên. Ban thư ký chịu trách nhiệm chuẩn bị nội dung và triệu tập các kỳ họp của BCH và BTV; phối hợp, điều hành các hoạt động thường xuyên của Hội và công tác phát triển hội viên. BTK khóa I có 5 ủy viên, khóa II  9 ủy viên và khóa III 9 ủy viên.

-  Ban Kiểm tra : Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III ngày 30/6/2013, lần đầu tiên trong lịch sử tồn tại và phát triển của Hội hữu nghị Việt Nam - Séc, Đại hội đã bầu Ban Kiểm tra của Hội với 3 ủy viên do một Phó Chủ tịch Hội làm Trưởng ban.

3.   Các Tiểu ban chuyên trách của Hội :

Do yêu cầu của việc triển khai các hoạt động của Hội trong thực tiễn, BCHTW khóa I đã thành lập các Tiểu ban : Tổ chức-đối ngoại, Kinh tế, Văn hóa-KHKT. Khóa II, nhiệm kỳ 2008-2013, đã quyết định thành lập thêm 3 Tiểu ban chuyên trách là các Tiểu ban: Đối ngoại-Thông tin tuyên truyền và Công tác cộng đồng; Tiểu ban Kinh tế-Tài chính và Tiểu ban Khoa-Giáo-Văn-Thể. Mỗi Tiểu ban do một Phó chủ tịch phụ trách. Các Tiểu ban chịu trách nhiệm trước BCHTW trong việc nghiên cứu, đề xuất và triển khai thực hiện các chủ trương, biện pháp công tác trong lĩnh vực Tiểu ban phụ trách đã được  BCH thông qua. Dự kiến, Ban Chấp hành khóa III cũng sẽ thành lập một số tiểu ban chuyên trách.

4.   Hội viên :

Các tổ chức và mọi công dân Việt Nam trên 18 tuổi tán thành Điều lệ Hội, tự nguyện làm đơn xin gia nhập Hội, hoàn thành thủ tục đăng ký hội viên và được Ban Thường vụ chấp thuân, sẽ được gia nhập Hội. Các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài; công dân các nước gốc Việt đang hoạt động, sản xuất, kinh doanh hợp pháp tại Việt Nam, có tinh thần tự nguyện giúp đỡ về tài chính, công sức, trí tuệ và tán thành Điều lệ Hội, có thể được Ban Thường vụ Hội xem xét, kết nạp là hội viên liên kết của Hội. Các cá nhân Việt nam tiêu biểu có nhiều đóng góp xuất sắc cho việc thực hiện tôn chỉ, mục đích hoạt động của Hội, nếu có nguyện vọng và được Ban Thường vụ chấp thuận, có thể trở thành hội viên danh dự của Hội. Quyền hạn, nhiệm vụ của các thành phần hội viên được nêu cụ thể trong Điều lệ Hội.

Hiện nay ngoài hội viên là các cá nhân- là công dân Việt Nam ở trong nước và tại Cộng hòa Séc, Hội có các thành viên tập thể là các Hội ở nhiều tỉnh, thành phố, các Chi hội tại các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức quần chúng xã hội ở Trung ương và các địa phương; ở các cơ sở văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật, vv... và tại các doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động trong và ngoài nước.

11 tổ chức thành viên của Hội:

- Hội hữu nghị Việt -  Séc Thành phố Hà Nội do ông Bành Tiến Long làm Chủ tịch;

- Hội hữu nghị Việt -  Séc Thành phố Hồ Chí Minh do ông Nguyễn Mười làm Chủ tịch;

- Hội hữu nghị Việt - Séc Thành phố Hải Phòng do ông Lê Vũ Thành, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Thành uỷ Hải Phòng, làm Chủ tịch;

- Hội hữu nghị Việt - Séc - Xlôvakia tỉnh Hà Tĩnh do ông Trần Đức Đạm, làm Chủ tịch;

- Hội hữu nghị Việt - Séc tỉnh Nghệ An do ông Nguyễn Trọng Thung làm Chủ tịch;

- Hội hữu nghị Việt - Séc - Xlôvakia tỉnh Phú Thọ do ông Đinh Phan Rang làm Chủ tịch;

-  Hội hữu nghị Việt - Séc tỉnh Khánh Hoà do ông Phạm Trung Sản làm Chủ tịch;

- Hội hữu nghị Việt - Séc tỉnh Vĩnh Phúc do ông Đỗ Văn Khởi làm Chủ tịch;

- Chi hội Hữu nghị Việt Nam - Séc trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên do ông Ngô Văn Hóa làm Chủ tịch;

- Hội Hữu nghị Viêt - Séc Tp. Đà Nẵng;

- Chi hội hữu nghị Việt Nam - Séc tại CLB Văn học - Nghệ thuật Bohemia do ông Đỗ Ngọc Việt Dũng làm Chủ tịch.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay Hội hữu nghị Việt nam - Séc có khoảng 2.000 hội viên có đăng ký, bao gồm các cựu sinh viên, nghiên cứu sinh, học nghề, lao động, cán bộ nhân viên ngoại giao đã từng học tập, làm việc và công tác tại Tiệp Khắc trước đây và CH Séc ngày nay, trong đó có nhiều ủy viên đã và đang giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan Đảng, Nhà nước; các tổ chức kinh tế, xã hội ở Trung ương, các địa phương và tại CH Séc;  một số ủy viên là lãnh đạo các doanh nghiệp; một số tiến sĩ, giáo sư,vv...

IV/ Một số lĩnh vực hoạt động chủ yếu của Hội :

1.Các hoạt động hữu nghị đối ngoại tại chỗ :

- Hàng năm, tổ chức 2 hoạt động quy mô khá lớn là tổ chức giải tenis, gặp mặt hữu nghị đầu Xuân ngay sau Tết Nguyên đán và gặp mặt kỷ niệm Quốc khánh CH Séc  (28/10). Ngoài 2 hoạt động thường niên đã thành truyền thống này, tổ chức một số hoạt động khác tùy yêu cầu và mức độ sự kiện đối với quan hệ Việt Nam - Séc.

- Tham gia cùng với Đại sứ quán Séc tại Hà Nội, các cơ quan hữu quan của Việt Nam hoặc trực tiêp tổ chức đón tiếp, gặp mặt các đoàn cấp cao của Cộng hòa Séc sang thăm Việt Nam.

- Tham gia các hoạt động lễ tân, văn hóa... do Đại sứ quán Séc hoặc các cơ quan Việt Nam tổ chức có liên quan đến Cộng hòa Séc.

2. Xây dựng các quan hệ hợp tác- đối tác tốt để phục vụ cho hoạt động của Hội :

- Với Đại sứ quán Cộng hòa Séc tại Hà Nội;

- Với Đại sứ quán Việt nam tại Cộng hòa Séc;

- Với Hội Séc- Việt;

- Với Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt nam - CH Séc;

- Với Hội hữu nghị Việt Nam - Xlovakia và một số Hội hữu nghị khác;

- Với Hội người Việt Nam và các Hội, Đoàn khác của Cộng đồng Việt nam tại Cộng hòa Séc.

3.Hoạt động trao đổi đoàn:

- Tổ chức các đoàn của Hội thăm làm việc CH Séc theo kế hoạch đối ngoại của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Chương trình công tác của Hội. Kết hợp thực hiện các cuộc gặp mặt với các cơ quan, tổ chức hợp tác-đối tác của Hội tại CH Séc trong các dịp thành viên Ban lãnh đạo Hội thăm làm việc CH Séc theo các chương trình khác. Trong nhiệm kỳ 2008-2013, Hội đã cử 2 đoàn do 2 Phó Chủ tịch Hội dẫn đầu thăm làm việc chính thức CH Séc ( năm 2009 và 2011)

- Tùy yêu cầu và điều kiện, mời đoàn Hội Séc-Việt thăm Việt Nam hoặc tổ chức các buổi làm việc trong các dịp lãnh đạo hoặc thành viên Hội bạn sang Việt Nam theo các chương trình khác

4. Các hoạt động văn hóa, thông tin- tuyên truyền:

- Duy trì và không ngừng nâng cao chất lượng hình thức và nội dung Trang tin điện tử hoivietsec.org.vn  ( bắt đầu hoạt động ngày 23/10/2008) của Hội để Trang tin làm tốt chức năng là cơ quan ngôn luận, thông tin chủ yếu của Hội.

- Chủ trọng đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại khác, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của một tổ chức hoạt động trong lĩnh vực đối ngoại nhân dân của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

- Tùy điều kiện, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa nhằm góp phần quảng bá về đất nước, con người, văn hóa, truyền thống của hai nước Việt Nam - CH Séc. Tích cực hỗ trợ hoạt động của CLB Văn học-Nghệ thuật Bohemia.

-  Tăng cường công tác trao đổi thông tin, phối hợp công tác giữa Trung ương Hội và các hội thành viên, trao đổi thông tin với các đối tác của Hội.

5. Tích cực thực hiện chức năng cầu nối thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư Việt Nam - CH Séc và tranh thủ viên trợ phi chính phủ của CH Séc. Mở rộng quan hệ với các tổ chức kinh tế và các doanh nghiệp Séc đang hoạt động tại Việt Nam nhằm hỗ trợ, tư vấn, tạo điểu kiện để các tổ chức kinh tế của hai nước phát triển quan hệ hợp tác với nhau.

6. Thường xuyên chú trọng công tác phát triển tổ chức Hội và Hội viên theo hướng mở rộng các tổ chức thành viên, tăng số lượng hội viên và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội từ cấp Trung ương đến các tổ chức tại địa phương.

Địa chỉ liên hệ:

Ông Nguyễn Mạnh Long, Thường trực Ban Thư ký,

105 A Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội

Fax : 84 4832756; ĐT :84 08044136; E-mail : longvufo@yahoo.com.

Hội hữu nghị Việt Nam - Séc
(cập nhật tháng 7/2019).