Tin mới
Tiểu thuyết NGỌT NGÀO VỊ ĐẮNG: Chương Bảy

Ngày đăng: 06/12/2011 - 07:40:43

Tác phẩm được giải thưởng của Nhà Xuất bản Thanh niên


BẢY

Văn đến Plzen vào một ngày đầu đông. Những bông tuyết bắt đầu rơi rơi trên những con đường cổ kính của thành phố. Plzen không ồn ào, náo nhiệt như ở Brno. Điều người dân Plzen tự hào nhất là họ sản xuất được bia ngon nhất thế giới. Thương hiệu bia “Pisner Urquell” đã đi khắp Châu Âu từ hàng trăm năm nay. Nếu ai đã từng uống bia Plzen thì khi sang vùng khác hoặc nước khác mới cảm thấy vị đăng đắng của bia Plzen. Vị đắng ấy vào miệng, lan tỏa thành vị ngọt trong cuống họng người uống làm cho họ thèm uống nữa, uống mãi. Bia ở Tiệp như một thứ nước giải khát dành cho thanh niên, ông già, phụ nữ. Bình quân dân Tiệp một năm chia đều từ già đến trẻ tiêu thụ hết 150 lít bia. Khi học tổng hợp, Văn đã cố gắng đi sâu nghiên cứu sản xuất bia, đặc biệt nghiên cứu hương liệu hublông. Đất đai và khí hậu Tiệp Khắc thích hợp với các loại cây trồng như lúa mì đen, lúa mì trắng, kiểu mạch, củ cải đường và đặc biệt là cây hublông. Hoa hublông là nguyên liệu để nấu bia. Anh tìm được một số công thức cơ bản sản xuất men, nhưng anh biết mỗi một nghề đều có bí mật. Anh muốn tới Plzen để tìm hiểu điều gì đã làm bia Plzen trở nên nổi tiếng. Đến đây rồi Văn mới biết không phải chỉ cần lúa mạch và hoa bia tốt mà nguồn nước làm bia cũng rất quan trọng. Men bia Plzen có thể cung cấp cho các nhà máy khác trên đất Tiệp Khắc nhưng nguồn nước thiên nhiên ngon ngọt chảy vô tận từ những vỉa đá núi Plzen thì không đâu có được. Chính nguồn nước trong mát này cũng là một xúc tác làm nên vị đắng diệu kì của bia Plzen.

Văn trốn chạy cuộc tình với Alena vì anh biết sẽ không đi đến đâu. Nhiều lúc anh nhớ nàng đến ngẩn ngơ. Nhớ đôi mắt xanh như nước hồ thu cứ ánh lên trong những đêm đông giá lạnh. Có những lúc anh cắn chặt ngón tay để cố quên nụ hôn ngọt ngào trong hương tóc vàng dìu dịu. Anh tự nhủ: phải quên thôi, mình không thể để cô ấy khổ được. Đừng để người ta hy vọng quá rồi lại thất vọng tràn đầy. Mẹ nói đúng, nếu mình ở lại là mất tất cả. Mất gia đình, bạn bè, Tổ quốc. Đổi được là tình yêu đôi lứa. Nhưng rồi năm tháng đi qua, tình yêu ấy sẽ phai nhạt. Lúc đó mình chẳng còn gì nữa, chỉ là chiếc bóng vô nghĩa trên cõi đời này mà thôi.

Nghĩ vậy, Văn lao vào công việc thực tập tại nhà máy bia Plzen. Anh làm như một công nhân thực thụ. Các bạn Tiệp khâm phục tính cần mẫn, chăm chỉ của người bạn Việt Nam. Anh đã được họ cho thử bia non, xem các quy trình sản xuất bia, và tham quan hầm ủ bia được cải tạo từ hầm đất thiên nhiên có độ dài đến 25km. Bia ở đây được nấu từ lúa mạch rất đặc biệt so với các nơi khác ở châu Âu. Anh cũng nhìn thấy hàng dãy thùng khổng lồ được đóng bằng gỗ để ủ bia. Nhiệt độ trong hầm ủ luôn được giữ lạnh khoảng 70C. Thời gian ủ bia hơn 30 ngày, sau đó người ta lọc, xử lý kỹ thuật để đưa vào đóng chai.

Sắp đến Noen, tuyết rơi nhiều hơn. Ngoài đường bọn trẻ con vui thích dồn tuyết lại thành đống, đắp thành ông già Noen. Mọi người hối hả tìm mua quà, sắm sửa mọi thứ cho Tết năm mới. Ở Tiệp Khắc cũng như các nước Châu Âu thường nghỉ đông từ Noen đến hết Tết dương lịch. Văn rất sợ những ngày này. Giờ đây anh không còn Alena nữa, chỉ còn ông việc. Thế mà ngày nghỉ đông dài như vậy thì biết làm gì đây? Hơn nữa ngoài đường những ngày này vô cùng buồn tẻ. Ở Việt Nam, lễ tết người ta sẽ ra đường, đến thăm nhau để bù khú. Còn ở Tiệp Khắc, ngày Noen là họ thường sinh hoạt ở trong nhà. Hầu như không ai thăm nhau trong những ngày này. Có chăng thì chỉ con cái đi làm xa về với bố mẹ. Thậm chí các phương tiện giao thông cũng ngừng lại,chỉ còn một hai chuyến đi các tỉnh.

Trong nhà máy có bác công nhân già rất quí Văn. Thấy Văn cứ lầm lũi đi về như vậy, ông rất ái ngại:

- Này, hay Noen này đến nhà bác chơi, chứ mình chú ở khu tập thể thì buồn chết.

Văn rất cảm động trước tấm lòng của bác Chapek. Quả thật, khi mấy người bạn Tiệp ở khu tập thể chuẩn bị về nhà anh đã thấy lo lo. Nỗi buồn, nỗi cô đơn đang xâm chiếm tâm hồn anh, nó cứ dầy lên như lớp tuyết ngoài trời. Anh nhớ ánh mắt lấp lánh của Alena, nhớ mái tóc vàng bồng bềnh mơ màng và đôi môi nồng nàn của nàng. Ở lại Tiệp Khắc anh sẽ có: tiền tài, danh vọng và tình yêu; nhưng ở lại Tiệp Khắc anh cũng sẽ mất: Tổ quốc, mẹ hiền và người thân. Trong con người anh giằng xé hai con đường, và mùa đông buốt giá làm máu trong trái tim anh có lúc như đông đặc. Anh ngẩn ngơ như một kẻ thất tình. Anh tìm đến nhà ông Chapek đêm Noen để né tránh sự cô độc trong tòa nhà tập thể không một bóng người.

Ngoài đường vắng tanh, chỉ có tuyết rơi bám lên các cành cây khô, lên các mái nhà rêu phong tạo một màu trắng tinh khiết sáng mờ mờ trong đêm. Bên ngoài lạnh lẽo bao nhiêu, thì trong các ngôi nhà lại ấm cúng bấy nhiêu. Nhà ông Chapek ở trong một phố nhỏ. Khi Văn bấm chuông, một người phụ nữ trạc hơn 50 tuổi, dáng cao mập mạp ra mở cửa và nói như reo:

- Vào đây! Cậu bé dễ thương, cả nhà đang đợi cậu đấy. Cậu là khách quí của chúng tôi hôm nay.

Văn ngượng ngập trước thái độ chân tình của vợ ông Chapek. Bà Chapek giúp anh cởi áo bành tô rồi rũ tuyết trên áo anh. Rồi bà kéo anh vào phòng khách. Ánh sáng chan hòa, nhờ hệ thống lò sưởi nên nhiệt độ trong phòng khoảng 220C. Lúc nãy đi ngoài đường mũi anh cóng lạnh như ướp trong tủ lạnh. Giờ đây chỉ chiếc áo len mỏng, Văn vẫn cảm thấy ấm áp. Ông Chapek ục ịch trong bộ vét xám, tay cầm chai Slivovice bên bộ xa lông nhung vàng. Cạnh ông là vợ chồng cậu con trai với cháu gái chừng 6 tuổi. Thấy Văn vào cả nhà rạng rỡ với những tiếng chào và những lời chúc tụng buổi tối. Ông Chapek cười khà khà:

- Rượu ngon đang chờ dũng sĩ đây. Dọn tiệc lên đi em yêu!

Bà Chapek nhìn ông âu yếm:

- Ông làm gì mà cứ xồn xồn lên vậy. Uống vừa thôi không lại tăng huyết áp, khổ thân già này.

Ông Chapek vừa rót rượu vừa tuyên bố:

- Huyết áp làm sao được, bà phải cho tôi một bữa say với cháu và khách quí. Một năm chỉ có một đêm Noen thôi đấy bà ạ.

Bà Chapek lườm yêu ông rồi đi vào phòng ăn chuẩn bị. Văn ngồi nói chuyện với vợ chồng anh Henry. Ông bà Chapek chỉ có một cậu con trai, anh là kỹ sư xây dựng ở Praha, chị thì làm giáo viên. Vợ chồng anh có nhà riêng ở thủ đô. Chỉ dịp Noen này mới đưa con về thăm ông bà.

Cháu Mila con anh chị thật dễ thương. Cô bé chỉ chăm chú nhìn đống quà dưới gốc cây thông Noen. Ông Chapek từ mấy ngày trước đã kiếm cành thông to, xanh mướt đặt giữa nhà. Trên cây ông trang trí các quả bóng bằng thủy tinh đủ màu sắc. Những dải kim tuyến óng ánh trên cùng các bưu thiếp của bạn bè gửi đền nom rất vui mắt. Song cô bé chỉ chăm chú nhìn những gói quà của bà, cha mẹ cho bé ở dưới gốc cây. Thỉnh thoảng bé lại thì thào hỏi mẹ bao giờ mới được mở quà.

Bà Chapek bước ra:

- Nào mời tất cả vào khai tiệc.

Phòng ăn của nhà ông Chapek rộng rãi, rèm cửa màu xanh rất mát mắt. Cửa sổ phía vườn ông làm bằng kính dày nên nhìn ra thấy những bông tuyết đang rơi đầy trên các cây tùng non, trông như các cành hoa tuyết. Ông Chapek đã đắp một ông già tuyết rất to trong vườn. Ông để một tay ông già tuyết cầm chai rượu lớn, một tay ôm gói quà to. Mila vừa vào phòng ăn nhìn ra vườn đã kêu lên:

- Mẹ ơi! Ông Noen say rồi kìa, chốc nữa làm sao ông mang quà cho con được.

Cả nhà nhìn ra thì thấy ông già tuyết bị gió thổi nghiêng nghiêng như muốn ngã, tuyết rơi trên đầu ông làm xù lên như tóc rối. Mọi người cùng phá lên cười. Bà Chapek ôm cháu vào lòng:

- Cháu đừng lo, ông không đến được thì bà sẽ có quà cho cháu.

Cô bé tự nhiên nức nở:

- Không, cháu thích cả quà của ông Noen cơ, mẹ cháu hứa rồi mà.

Mẹ cô bé vội dỗ dành:

- Con yên tâm đi, ông say rồi ông lại tỉnh, nhất định ông sẽ đem quà cho con.

Ông Chapek lôi chai sâm panh, cả nhà chăm chú chờ tiếng nổ của sâm panh. Một tiếng bật nổ vang, sâm panh trào ra sàn. Cả nhà vỗ tay vui mừng. Ông Chapek rót vào từng ly:

- Chúc mừng đêm giáng sinh, chúc một năm mới thành đạt.

Trên bàn tiệc rất nhiều món ngon như: thịt sườn tẩm bột rán, salat, ngỗng quay, thị nguội, xúc xích,... nhưng có một món không thể thiếu được trong ngày này là món cá chép rán. Từ mấy hôm trước cá chép đã bày bán khắp đường phố. Những con cá chép đen nặng vài ba ký bơi tung tăng trong các chậu to. Người Tiệp Khắc tin rằng ăn cá chép trong Noen sẽ đem lại may mắn cho gia đình. Văn nhớ đến quê nhà với ngày 23 tháng chạp bao giời cũng có cá chép để cúng ông Táo về trời. Đây cũng chính là một điểm gần gũi giữa đất nước Việt Nam và đất nước Tiệp Khắc.

Trong bữa tiệc, mọi người quan tâm hỏi các phong tục lễ tết Việt Nam. Anh kể cho họ nghe những điều khác biệt giữa hai đất nước trong cách đón năm mới. Ông Chapek liên tục rót cho con trai và cho anh, “nào cạn ly”. Ông có vẻ rất vui, năm nay ông Chapek đã 58 tuổi, ông đã làm ở nhà máy bia Plzen ba mươi tám năm. Ông là một công nhân chăm chỉ, cần mẫn, đã nhiều năm là lao động tiên tiến của nhà máy. Bà Chapek thì ngồi sát cô con dâu để hỏi chuyện sinh hoạt của các con trên thủ đô. Gần nửa đêm có tiếng chuông reo, ông Chapek lầu bầu:

- Ai mà đến giờ này vậy?

Còn bé Mila reo lên:

- Ông già Noen đến!

Thế là cô bé chạy ào ra, xăng xái cùng mẹ mở cửa.

Quả thật một ông già với bộ quần áo đỏ và bộ râu trắng muốt bước vào, ông đeo kính trắng, đội chiếc mũ đỏ với quả cầu bông trắng. Trên áo ông còn dính đầy tuyết. Ông cất tiếng ồm ồm:

- Có phải nhà cháu Mila không?

Cô bé Mila núp vào mẹ, ngước mắt nhìn ông:

- Dạ phải ạ!

Ông xoa đầu

- Thế cháu học có giỏi không?

Cô bé sung sướng:

- Cháu có nhiều điểm 1 lắm ạ!

Ông gật gù:

- Cháu ngoan lắm, ông tặng quà cho cháu nhé.

Ông già Noen lấy trong bao tải mang theo một gói quà to đưa cô bé. Mila nhanh nhảu:

- Cháu cảm ơn ông nhiều.

Thấy Văn ngạc nhiên, bà Chapek giải thích:

- À, mẹ nó nhờ bên dịch vụ đóng giả ông già Noen để mang quà cho cháu đấy!

Ông Noen đi rồi, mọi người kéo ra phòng khách bắt đầu mở quà.

Cô bé Mila được nhiều quà nhất, ông già Noen cho năm quyển truyện tranh với hàng loạt đồ chơi, ông bà cho một con búp bê Nga biết khóc, bố mẹ cho bé bao nhiêu quần áo đẹp. Bố mẹ của bé cũng có quà của ông bà là một chiếc đài quay đĩa. Còn ông bà cũng có quà của bố mẹ Mila, ông thì một chai rượu Witky Scotlen, còn bà được tặng một chiếc máy rửa bát. Cô bé Mila tặng cho ông bà, cha mẹ, mỗi người một bức tranh mà cô bé vẽ từ mấy tuần trước. Nhìn tranh của bé, mọi người bật cười: ông thì đứng cạnh nồi nấu bia to bự, bụng ông bự cũng không kém, bà đang lúi húi trong bếp, bố thì đứng tít trên tầng thượng một tòa nhà cao vút với một dàn cần cẩu, còn mẹ bé thì đang đứng cạnh bảng đen với một bầy trẻ. Ông Chapek bế cô bé lên, cọ hàng râu vào má cháu:

- Cháu ông thông minh quá, cháu ông ngoan lắm.

Còn gói quà cuối cùng bà Chapek đưa cho Văn:

- Đây là quà của cháu!

Văn cảm động, anh không ngờ ông bà Chapek lại chuẩn bị chu đáo cho việc tới thăm của anh đến thế. Văn giở gói quà ra thì đó là một chiếc áo khoác đông và một đôi giày đông. Anh nhớ ra mấy bữa trước ông Chapek đã hỏi anh cỡ giày và ông có vẻ không hài lòng thấy anh ăn mặc phong phanh.

Đêm đó, ông bà bố trí cho anh một phòng riêng với nệm, chăn đều mới. Anh nằm mà miên man suy nghĩ và không tài nào ngủ được. Anh nhớ đến Alena, nhớ đến viễn cảnh mà nàng đã vẽ cho anh. Đất nước Tiệp Khắc rất tôn trọng học vị, chắc chắn khi ra trường anh sẽ có việc làm ngay. Bố mẹ Alena đã hứa mua cho anh một căn nhà ở Brno. Anh sẽ có vợ đẹp, có cuộc sống sung sướng, sẽ có một tổ ấm mặc cho bên ngoài đông giá. Rồi hình ảnh quê hương lại ào đến, người mẹ với mái tóc bạc đứng tựa cửa ngóng chờ con trai về. Hình ảnh đồng đội năm xưa trong rừng Trường Sơn bị trúng bom Mỹ, họ hy sinh mà vẫn mong một ngày đất nước Việt Nam thống nhất, giàu mạnh. Trong con người anh giờ đây có hai nửa, một nửa muốn chạy theo tình yêu buông xuôi cuộc đời, một nửa lý trí muốn anh trở về đất nước góp sức nhỏ bé vào xây dựng quê hương, báo hiếu cho mẹ cha. Anh thiếp đi với ánh mắt van lơn của Alena: “Hãy ở lại với em!” và tiếng gọi của quê hương “Hãy trở về”!

Một buổi chiều tan tầm, vừa ra khỏi cổng nhà máy, Văn bổng nghe ai gọi bằng tiếng Việt lơ lớ:

- Anh Văn yêu của em!

Anh ngạc nhiên nhìn sang đường thấy một thiếu nữ đầu đội mũ len hồng, khoác chiếc áo măng tô hồng đang vẫy gọi anh. Văn bước vội qua đường. Anh khựng lại khi nhận ra đó là Alena. Alena thấy Văn sửng sốt thì thích thú:

- Có phải anh tin là Alena đến tìm anh phải không?

Văn chợt tỉnh:

- Em đến hồi nào vậy? Em học tiếng Việt ở đâu mà giỏi quá.

Alena cười sung sướng:

- Lại đây, hôn em đi, mọi chuyện em nói cho anh sau.

Rồi chính nàng ào đến ôm chắt lấy Văn, hôn tới tấp lên môi, lên má anh:

- Anh quên em rồi phải không? Đừng giận em nữa nhé!

Một nguồn cảm xúc dâng trào trong anh. Văn quên hết lời mẹ dặn, quên giữa anh và Alena đã có những rạn nứt, anh quên tất cả... ghì chặt Alena trong lòng và hôn lên môi nàng như nghiến nát đôi môi nhỏ xinh cho bõ nỗi nhớ cháy lòng:

- Anh nhớ em quá, Alena nhỏ bé của anh!

Hai người quấn quýt bên nhau, tưởng xa nhau đã hàng thế kỷ, mặc cho người qua đường nhìn họ, măc cho những bông tuyết rơi. Alena thì thầm:

- Đêm qua em mơ một giấc mơ thật đẹp. Em thấy mình bị chết trên một bãi cát trắng phau và hóa thành một con bướm lớn. Anh đi tìm em, những bước chân của anh lầm lũi trên cát mà không tìm được mộ em. Em bay đến đưa đường cho anh đến bên xác em bị vùi trong cát trắng. Anh nằm trên nấm mộ và khóc mãi. Nước mắt của anh đã làm trôi những dòng cát, làm em hồi sinh và chúng mình lại quấn quýt bên nhau. Bừng tỉnh, em cứ tiếc mãi giấc mơ. Giá như giấc mơ là thực, em không biết chúng mình sẽ làm gì. Sáng ra trường thấy đề tên em đi Plzen thực tập. Em vội tức tốc ra mua vé tàu đến tìm anh. Em chỉ lo anh biến mất trên cõi đời này.

Văn cười:

- Em khờ quá! Anh có thể đi đâu được ngoài em và công việc. Tối nay anh mời em đến quán bia đen “Ông già má đỏ” để thưởng thức món ăn Plzen. À mà ai dạy em tiếng Việt vậy?

Hai người khoác vai nhau đi bộ dọc phố, vừa đi Alena vừa khoe:

- Em nhờ mấy bạn người Việt Nam dạy cho mấy câu thôi. Kỳ này anh phải dạy cho em nghiêm túc. Anh sẽ là thầy giáo tiếng Việt cho em. Làm sao trong một tháng em phải biết đọc, biết viết tiếng Việt.

Mải nói chuyện họ tới quán “Ông già má đỏ” cuối phố lúc nào không hay. Tuyết dưới chân họ đã dày hơn, những cành cây tuyết phủ đầy trắng xóa. Quán được làm bằng gỗ sồi già, ánh đèn vàng trong quán hắt ra với tiếng ồn ào nhộn nhịp của dân nhậu làm không khí ấm áp hẳn lên. Người ta qua đường trong đông giá chỉ muốn sà vào làm ngụm bia cho tỉnh táo.

Hai người bước vào quán thấy một chiếc ảnh lớn ông già đội mũ phớt với hàng ria mép quý tộc đang cầm cốc bia hấp háy nhìn họ. Bên cạnh chiếc ảnh là những chiếc sừng hươu và đầu các chú dê cụ. Rất nhiều cặp mắt nhìn đôi bạn trẻ. Văn kéo Alena vào góc quán, nơi có chiếc bàn bằng gốc cây lớn và ghế là những mẫu thông cây được tiện khéo léo, phẳng lỳ. Alena thầm thì:

- Mọi người nhìn mình ghê quá.

Văn mỉm cưởi:

- Họ thấy em của anh quá xinh thì họ nhìn thôi. Họ không ngờ một chàng trai xấu xí như anh lại có được công chúa tóc vàng như em.

Alena mặt đỏ ửng :

- Anh chỉ khéo nịnh thôi.

Văn kêu món thịt colet tẩm bột rán với hai cốc bia đen. Phụ nữ Tiệp Khắc rất thích uống bia đen, một thứ bia sánh như mật màu đen, thơm ngọt khoảng 10 độ. Bia làm cho má Alena hồng lên, mắt long lanh. Cô nói thật nhiều:

- Em đã nghĩ kỹ rồi. Anh không ở lại đây được với em, thì em sẽ về với anh. Anh đã từng nói: Thuyền theo lái, gái theo chồng. Tại sao em lại không theo anh được. Em đã nghe anh nói nhiều gian khổ nơi quê hương Việt Nam, nhưng gia đình anh và anh chịu đựng được thì chẳng nhẽ em lại không chịu được sao? Con người ta đâu phải sống vì vật chất, mà người ta sung xướng hay không chính là tinh thần. Em sẽ giúp anh được nhiều việc. Em sẽ dạy tiếng Tiệp cho các học sinh Việt Nam. Rồi mẹ sẽ hiểu và thương em...

Điều Alena nói ra thật bất ngờ. Anh đã thấy bao chàng trai si mê trước sắc đẹp của Alena mà nàng không màng đến. Vậy mà nàng sẵn sàng từ bỏ gia đình, cuộc sống nhung lụa để đi cùng anh đến chân trời góc bể, để cùng chịu đựng mọi gian khổ. Một niềm hạnh phúc dâng trào trong lòng Văn. Anh nắm chặt bàn tay mềm mại của Alena:

- Em thật can đảm. Anh chỉ sợ không xứng đáng với tình yêu của em.

- Can đảm lên anh! Cuộc tình của chúng mình sẽ có rất nhiều ngọt ngào trong tương lai. Anh muốn em nhảy xuống sông hay vào lửa em cũng sẵn lòng, chỉ cần bày tỏ tình yêu mãnh liệt của em cho anh hiểu là em hạnh phúc lắm rồi.

Hai người ngồi trong quán đến tận khuya và có lẽ họ là người rời quán sau cùng.

*
*   *

Những ngày ở Plzen thật đẹp. Mùa đông không còn lạnh lẽo trong tâm hồn Văn nữa mà nó sáng lên trong màu bàng bạc của tuyết, ấm nồng trong vòng tay của Alena. Họ cùng nhau đi trượt tuyết, vào rừng cùng bạn bè hát hò quanh những đống lửa thâu đêm. Tháng tư, ở Tiệp Khắc có lễ Phục sinh. Lúc này mùa xuân đã đến bên cửa. Các cô gái đua nhau mặc đẹp và họ chuẩn bị các quả trứng vịt đã rút hết lòng bên trong. Họ lấy bút dùng sơn vẽ đủ màu sắc lên quả trứng rồi phơi cho khô. Mỗi một quả trứng như một tác phẩm nghệ thuật, trong đó tha hồ các cô gái tưởng tượng, từ hình ảnh một khuôn mặt hề, từ một con suối hay từ một đám mây ngũ sắc. Còn các chàng trai thì tết những chiếc roi xinh xinh bằng các sợi lạt màu. Xong mỗi chiếc roi họ lại mỉm cười khi nghĩ tới chiếc roi được đánh vào bạn gái hoặc người mình yêu để lấy những quả trứng của các cô. Buổi tối Văn sang phòng ở của Alena, anh vừa gõ cửa thì nghe tiếng bên trong:

- Mời anh vào!

Văn đẩy cửa vào, tay lăm lăm cầm bó roi nhưng anh nhìn quanh không thấy Alena đâu. Văn ngó nghiêng tìm thì một tiếng òa sau lưng, hóa ra cô nấp sau rèm cửa. Anh giật mình chưa kịp định hình thì cô đã ào tới bó roi trên tay chạy ra xe:

- Lêu lêu, chàng trai ơi! Mất roi rồi đánh ai đây.

Văn lúng túng trước trò tinh nghịch của cô. Nhưng thật may, chiếc roi đẹp nhất anh định tặng Alena vẫn đang dắt trong người vì anh sợ gặp các cô gái khác dọc đường họ xin mất. Nên anh tự tin tiến lại gần rồi bất ngờ quật liên tiếp vào lưng Alena:

- Nào đẻ trứng đi, nào đẻ trứng đi!

Alena bị bất ngờ, nàng vừa cười vừa nói:

- Chịu anh rồi đấy, em sẽ có trứng đẹp cho anh đây.

Rồi cô cũng lôi ra hai quả trứng mà cô giấu dưới một đống trứng màu, chắc cô cũng sợ các bạn mình đến lấy mất quả trứng đẹp. Văn cầm hai quả trứng ngắm nghía: một quả vẽ khuôn mặt một cậu bé có đôi mắt sáng màu đen với mái tóc vàng ươm, còn một quả vẽ một cô bé có hai bím tóc đen nhánh với đôi mắt to tròn màu xanh như nước hồ thu. Văn vờ hỏi:

- Ai thế này?

Alena tinh nghịch:

- Anh tặng em roi thì em tặng anh hai đứa trẻ. Em thích mỗi đứa đều mang nét đẹp của anh và của em.

Văn vười:

- Em phải trở thành nghệ sĩ mất, anh chưa nhìn thấy ai có tóc vàng mà mắt màu đen đâu nhé.

Alena bướng bỉnh:

- Em thích vậy cơ.

Rồi cô lại thừ ra:

- Ừ thì chúng nó thế nào cũng được miễn là con mang dòng máu của anh và của em.
Văn ôm lấy Alena hôn lên mái tóc vàng của cô:

- Em yêu anh nhiều đến vậy sao? Thôi bây giờ chúng mình đến nhà bác Chapek đi. Anh muốn té nước cho gia đình bác được may mắn.

Đôi bạn trẻ dắt tay nhau tung tăng ra đường. Họ đến nhà ông bà Chapek bấm chuông ầm ĩ. Cả hai ông bà ra mở cửa. Vừa thấy hai ông bà, Văn và Alena té nước từ hai chiếc lọ mang theo làm ướt sũng hai người:

- Chúc hai bác sống lâu, hạnh phúc.

Ông Chapek vui mừng, dù người ướt sũng:

- Vào đây hai cháu. Chúng mày định bao giờ cho chúng ta uống rượu đây. Bây giờ thì vào đây làm một ly đã nào.

Bà Chapek mắng át đi:

- Ông thì lúc nào cũng rượu bia. Phải cho chúng nó ăn món bánh mì hấp sườn nướng của tôi đã.

Cả nhà cười xòa kéo nhau vào phòng ăn.....

Hết đợt thực tập Văn trở về Brno. Vừa đến trường, văn phòng khoa gọi anh lên gặp gấp. Bước vào phòng trưởng khoa anh đã thấy hơi nhồn nhột. Một người đàn ông lạ hoắc với đôi mắt sắc như dao cạo trên chiếc mũi khoằm nhìn anh chăm chú. Ông trưởng khoa đầu hói có đôi mắt hiền tự giới thiệu:

- Đây là anh Văn, sinh viên xuất sắc nhất của chúng tôi. Trong những năm qua luôn đạt sinh viên gương mẫu, năm nay sẽ tốt nghiệp khả năng bằng đỏ tuyệt đối....

Người đàn ông tiếp lời ông trưởng khoa.

- Cậu Văn ngồi xuống đi, những điều thầy Trưởng khoa giới thiệu chúng tôi đã biết. Bây giờ chúng tôi muốn nghe chuyện tình yêu của cậu với Alenna.

Văn hơi ngạc nhiên, giọng bất bình:

- Ông là ai mà lại quan tâm đến đời tư của tôi vậy?

Người đàn ông dướn mày:

- Chính vì thương cậu nên chúng tôi mới quan tâm đến cậu và cũng vì tiếc công học tập của cậu bao lâu nay. Cậu biết là Nhà nước của cậu cấm yêu đương như thế nào. Sứ quán biết chuyện chắc chắn cậu sẽ bị kỷ luật và người ta sẽ cho cậu về nước khi tốt nghiệp. Chúng tôi biết rất nhiều chuyện của cậu nên mới có lời răn trước như vậy.

Văn tái mặt. Không ngờ ông ta nói toạc những điều mà bao lâu nay Văn bứt rứt. Ông trưởng khoa rất yêu quý cậu sinh viên Việt Nam, xoa dịu:

- Chuyện yêu đương của tuổi trẻ không có gì xấu cả. Chỉ có điều phía Việt Nam rất nghiêm khắc trong chuyện này. An ninh chúng tôi cảnh báo vậy thì cậu cũng nên sắp xếp chia tay đi mà còn tập trung học tập. Chỉ còn mấy tháng nữa là ra trường rồi. Có chuyện gì thì uổng phí cả năm năm học.

.... Rời phòng trưởng khoa về ký túc xá, Văn đi như người mất hồn. Những lời răn đe từ phía nhà trường, phía an ninh Tiệp Khắc làm đầu óc anh như muốn nổ tung. Alena đã đợi anh trước của phòng, lo lắng hỏi:

- Anh bị ốm hay sao mà mặt tái nhợt vậy?

Văn không biết nói gì, kéo Alena vào phòng rồi ngồi phịch xuống ghế. Cô vội lấy nước lọc cho anh:

- Hay có chuyện gì ở trường? Tại sao họ lại gọi anh lên?

Giọng Văn buồn bã:

- Anh mệt quá. Vừa rồi an ninh và trưởng khoa gặp anh về chuyện chúng mình. Họ khuyên anh nên chấm dứt quan hệ với em, nếu không phải chịu kỷ luật về nước.

Alena kêu lên:

- Họ có quyền gì mà dọa nạt? Trai chưa vợ gái chưa chồng, yêu nhau có làm gì phạm pháp mà họ phải làm ầm ĩ lên thế.

Văn giải thích:

- Đó là họ khuyến cáo mình thôi, em biết không. Trước đây, thời kỳ những năm sáu mươi, sinh viên Viêt Nam ra nước ngoài phải chịu kỷ luật rất nghiêm ngặt. Không được đi chơi một mình, đi đâu phải đi ba người. Không được xem phim tư bản, không được mặc quần áo bò, không được quan hệ với người nước ngoài.....

Alena bịt tai:

- Thôi anh đừng nói nữa, những chuyện đó em biết cả rồi. Chẳng nhẽ những điều ấy anh không đủ can đảm để giữ tình yêu chân chính hay sao?
Thấy Văn thở dài thườn thượt, Alena động viên:

- Điều quan trọng là cả anh và em cùng yêu nhau, chúng ta có thể sống trên dư luận kia mà. Em có ông chú họ ở Praha là tiến sĩ ngôn ngữ, ông cũng là viện sĩ Viện Hàn lâm Tiệp Khắc. Ông đã từng sống ở Việt Nam, chúng mình lên nhờ ông can thiệp giúp xem sao.
Văn hỏi:

- Có phải tiến sĩ Ivo Vasiliép không?

Alena ngạc nhiên:

- Đúng đấy, sao anh biết?

- Tất cả lưu học sinh các anh đều biết ông Vasiliép. Ông rất có tình cảm với Việt Nam. Đặc biệt ông rất giỏi tiếng Việt, nói chuyện như người Việt vậy. Ông thuộc rất nhiều ca dao tục ngữ Việt Nam. Vừa rồi nói chuyện với anh em lao động Việt Nam ông còn dẫn chứng “Con sâu làm rầu nồi canh” để ám chỉ một số việc làm xấu của anh em làm tổn thương quan hệ giữa hai nước.

Alena vui mừng:

- Thế thì cuối tuần nay anh em mình lên Praha, vừa thăm thành phố cổ Hradchany vừa thăm chú em nhé. Em cũng muốn hỏi xem cách học tiếng Việt thế nào nhanh nhất.
Văn tạm gác nỗi buồn sang một bên, cùng Alena ra phố.
*
*      *
Họ ngồi trong nhà của viện sĩ Ivo Vasiliép trên tầng 10 chung cư hiện đại Praha. Căn hộ tương đối rộng rãi và thoáng mát. Tiến sĩ Vasiliép là một người đàn ông tầm thước, trán cao, đầu lơ thơ vài sợi tóc, đôi mắt tinh anh, nhanh nhẹn. Ông trạc năm mươi tuổi. Ông biết thông thạo mười thứ tiếng, hiện ông phụ trách vấn đề phương Đông trong Viện Hàn lâm khoa học Tiệp Khắc. Trong nhà ông chỗ nào cũng có giá đựng sách, đủ loại, từ tiếng Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan,... đến các nước Tây Ban Nha, Liên Xô...Thấy đôi bạn trẻ, ông tỏ ra vui mừng, ôm vai Văn kéo vào phòng khách:

- Chú đã nghe Alena nói chuyện hai đứa, hôm nay mới được gặp cháu. Thật là đôi trai tài gái sắc. Hai cháu làm chú nhớ lại chuyện của chính mình hai lăm năm về trước, khi chú còn học ở Việt Nam.

Văn ngạc nhiên:

- Chẳng nhẽ chú cũng từng yêu một cô gái Việt Nam?

Ông gật đầu, đôi mắt trở nên xa xăm. Hồi lâu, ông kể:

- Hồi đó chú là sinh viên trường Tổng hợp Karlova nghiên cứu tiếng Việt. Chú được sang Việt Nam thực tập hai năm cuối tại trường Tổng hợp Hà Nội. Chú yêu Việt Nam tự bao giờ chẳng rõ, chú cảm giác như quê hương thứ hai của mình. Rồi tình yêu đôi lứa đã đến với chú. Cô bạn gái của chú lúc ấy cũng là sinh viên trường Tổng hợp, nghiên cứu tiếng Tiệp. Chú và cô ấy làm quen với nhau. Cô ấy là giáo viên tiếng Việt cho chú, còn chú là giáo viên tiếng Tiệp cho cô ấy. Lúc đầu chỉ là tình bạn. Nhưng khoảng cách giữa tình bạn và tình yêu mong manh quá. Càng ngày, tình cảm giữa hai người càng gắn bó. Chú và cô ấy giấu tình cảm đi nhưng mà làm sao giấu được! Câu chuyện yêu đương của chú lan ra toàn trường. Mọi người nhìn chú với con mắt giễu cợt pha chút khinh bỉ. Có lần chú đến thăm ba mẹ cô ấy thì bị gia đình xua đuổi như gặp phải tà ma. Có những tối chú và cô hẹn nhau ra Hồ Gươm nói chuyện thì bị bọn trẻ ném đất đá. Việc yêu đương của chú như là làm chuyện gì tội lỗi lắm. Không chịu nổi cách đối xử tàn tệ như vậy, tình yêu của chú tan vỡ. Nhưng hình ảnh cô ấy đã theo chú cả cuộc đời. Cô ấy là Thu, nhà ở phố Hàng Bài...

Alena ngồi bên chú, chăm chú lắng nghe:

- Thế từ đó chú có trở lại Việt Nam lần nào nữa không? Có gặp được cô ấy không? Cô ấy đã đi lấy chồng chưa?

Ông Vasiliép vẫn miên man trong kỉ niêm:

- Có chứ. Nhưng những lần sau này chú trong đoàn ngoại giao nên cũng không dám đi lại lung tung. Chú chỉ nghe kể cô ấy đã có chồng. Đối với Việt Nam, chú có rất nhiều kỷ niệm đẹp. Nhất là lần phiên dịch cho đoàn Chính phủ Tiệp Khắc gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong buổi chiêu đãi trọng thể tại nhà khách Chính phủ Việt Nam, chú e ngại ngồi ở cuối bàn. Chú thấy Bác Hồ cầm một quả cam đi xuống phía dưới tận nơi chú ngồi. Chú nhìn quanh không biết có vị quan chức nào mà Bác phải đi tới. Khi Bác đến bên, chú vô cùng xúc động. Bác cười và khen: ”Cháu dịch tiếng Việt tốt lắm! Bác thưởng cho cháu quả cam này”. Bao nhiêu đôi mắt đổ dồn nhìn chú. Trong cuộc đời sau này, chú nhận không biết bao nhiêu phần thưởng khác giá trị, nhưng quả cam mà Bác Hồ cho chú chính là phần thưởng hạnh phúc nhất. Sự quan tâm của vị lãnh tụ với một người phiên dịch bình thường làm cho chú càng hiểu thêm lòng nhân ái bao la của Bác Hồ. Điều đó không chỉ tạo nên sức mạnh đoàn kết của nhân dân Việt Nam quanh Bác mà còn làm cho bạn bè quốc tế cảm phục hết lòng vì Việt Nam. Chính bản thân chú lúc nào cũng mong muốn được làm nhiều điều có ích cho Việt Nam.

Alena nũng nịu:

- Chú ơi! Ngày xưa cô Thu và chú không lấy nhau được, do lúc đó tình hình Việt Nam còn chiến tranh. Bây giờ Việt Nam đã thống nhất, kinh tế ngày một khá lên. Cháu cũng mong muốn như chú được sang đấy cùng anh Văn góp sức làm nhiều điều tốt cho quê hương anh ấy.

Ông Vasiliép mỉm cười, nhìn đôi bạn trẻ:

- Chú ủng hộ tuyệt đối. Nhưng khó đấy. Có rất nhiều người như các cháu, nhưng cuối cùng cũng phải chấp nhận thực tế là chia tay. Trước đây chú tưởng không thể nào tan vỡ được mối tình đầu ấy, nhưng rồi thời gian qua đi những vết thương lòng được hàn gắn. Cô Thu cũng đã có gia đình, chú giờ đây cũng rất hạnh phúc bên cô Ana với những đứa con xinh xắn. Mọi điều tưởng không thể ấy trở thành một kỷ niệm đẹp trong đời mà thôi. Giớ đây nếu được trở về những ngày ấy chú cũng không dám vượt qua đâu.
Alena bướng bỉnh:

- Cháu sẽ học giỏi tiếng Việt, cần thì cháu nhuộm tóc màu đen cho giống con gái Việt Nam. Cháu đang tập làm món ăn Việt như nấu cơm, làm nem. Cháu tin là sẽ rất thú vị khi sang Việt Nam. Cứ tưởng tượng được ở trong căn nhà toàn là lá dừa là cháu thích rồi. Cháu sẽ cùng anh Văn đi ra biển bắt cá. Lúc đầu mọi người sẽ khó chịu vì phải sống với cô mắt xanh mũi lõ, nhưng họ sẽ quen dần và lại quí trọng một cô giáo nước ngoài mà biết chịu kham khổ.

Ông Vasiliép xua tay:

- Cháu ơi! Đừng vẽ mộng ảo nhiều quá. Chú sợ thực tế không đơn giản như cháu nghĩ đâu.

Văn tiếp lời:

- Theo chú thì chúng cháu phải làm gì bây giờ? Phải lo những thủ tục gì?

Ông Vasiliép khoát tay:

- Bây giờ hai cháu tiếp tục suy nghĩ thật kỹ quyết định của mình. Tập trung làm luận án tốt nghiệp cho tốt. Phải hoàn thành việc học tập trước đã. Đừng làm điều gì ngoài việc học lúc này. Các cháu mà đề nghị việc Alena về Việt Nam bây giờ lên Sứ quán là có khi không được mà Văn lại bị về nước trước khi tốt nghiệp thì mất cả chì lẫn chài. Sau khi tốt nghiệp xong cháu còn được thực tập phải không?

- Dạ, chúng cháu sẽ được thực tập sáu tháng nữa.

- Tốt lắm, lúc đó các cháu lên đây, chú sẽ bày cách phải thế nào. Nhưng cũng không đơn giản đâu. (Xem tiếp kỳ sau)

Đoàn Hoài Trung


Xem tin theo ngày: