Tin mới
Doanh nghiệp Việt Nam đang bỏ phí cơ hội ở Đông Âu

Ngày đăng: 20/05/2014 - 13:44:57

Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – CH Séc hôm 13/5, TG&VN đã gặp người luôn đau đáu nỗi niềm “làm thế nào để đưa được doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam sang tiếp cận trực tiếp thị trường Séc và Đông Âu”. Đó là nhận xét của ông Chu Văn Dân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tại Séc.

Ông Chu Văn Dân trả lời phỏng vấn tại DĐDN Việt – Séc.

Thưa ông, thị trường Séc nói riêng và Đông Âu nói chung có điểm gì nổi bật?

Đông Âu là một thị trường rất rộng mở, trong đó bao gồm cả Séc, Ba Lan, Hungary, Romania, Bulgaria, Slovakia… Đặc biệt, phần lớn các nước này hiện đã gia nhập vào nhóm nước Schengen. Dù đi sau nhưng các nước này phát triển rất nhanh, chính sách và cách làm việc rất phù hợp với hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam.

Chúng tôi rất mong muốn các DNNVV có thể trực tiếp sang thị trường Đông Âu. Tại đây, người ta sẽ nói rõ cái gì làm được và cái gì không làm được. Cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam bước vào thị trường các nước này có rất nhiều nhưng chưa thực sự được khai thác tốt và đó là điều mà chúng tôi muốn hỗ trợ họ.

Có nghĩa đây là một thị trường có tiềm năng to lớn nhưng nhiều DNNVV của Việt Nam chưa thực sự đặt chân vào được?

Đúng vậy. Điểm mấu chốt là quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Séc rất tốt nhưng cơ quan chức năng và doanh nghiệp tại Việt Nam chưa chủ động tập trung thúc đẩy và tiến hành khai thác để quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư phát triển tương xứng.

Có một bộ phận doanh nghiệp Việt tại Séc được các công ty nước ngoài thuê gia công hàng hóa giống của Việt Nam rồi bán lại trên đất Séc.

Còn ở trong nước, DNNVV lại phụ thuộc vào các doanh nghiệp lớn để thực hiện việc xuất khẩu. Nếu hàng xuất khẩu được thì nước nhập khẩu cũng chỉ biết đến tên của doanh nghiệp lớn kia mà thôi.

Các DNNVV hãy tự sang các nước Đông Âu và làm việc với doanh nghiệp ở đây. Như vậy, các nước mới biết về họ và sẽ trực tiếp mua hàng. Điều cốt lõi là phải mạnh dạn ra ngoài, dự triển lãm, xuất khẩu thử qua các kênh bài bản có pháp nhân, pháp lý được nhà nước cho phép thì mới có thể phát triển được.

Theo ông, độ năng động của DNNVV Việt Nam trong việc này như thế nào?

Doanh nghiệp năng động thì nhiều nhưng tại thị trường này thì rất thiếu và yếu. Có thể vì họ nghĩ rằng họ chưa có khả năng tiếp thị hàng hóa của mình ở Đông Âu. Nhưng, chưa gặp gỡ trực tiếp thì làm sao biết có làm được hay không?

Lượng tiêu thụ ở thị trường Đông Âu rất lớn nhưng hàng hóa có khi lại phải nhập qua một nước khác. Chẳng hạn như, thị trường Hà Lan, Pháp, Đức chuyên nhập khẩu hàng vào sau đó bán lại sang Đông Âu. Có khoảng 200.000 doanh nghiệp ở Đông Âu muốn mua hàng hóa từ Việt Nam nhưng doanh nghiệp Việt Nam lại không đáp ứng được, họ phải quay sang nhà cung cấp Trung Quốc. Chúng tôi rất bức xúc vì hàng của Việt Nam lại phải đi qua một kênh khác.

Có thể nói rằng DNNVV Việt Nam đang để “chảy máu tiềm năng” bởi họ có thể cung cấp những hàng hóa mà thị trường Đông Âu cần nhưng đã không làm khiến cho Đông Âu phải tìm nguồn tương tự ở nước thứ ba… Khi chưa muộn, nhà nước và doanh nghiệp tư nhân nên tập trung vào đó để phát triển một cách mạnh dạn hơn.

Ông có thể cho một vài ví dụ về các DNNVV Việt Nam đã năng động tiếp cận thị trường?

Hiện nay đã có một doanh nghiệp Việt mạnh dạn mua lại thương hiệu Sportisimo của Séc và phát triển rất mạnh dù thị trường Séc có sự cạnh tranh khốc liệt. Nhưng thực ra không có nhiều doanh nghiệp Việt làm được như vậy. Cũng có doanh nghiệp người Việt tại Séc về Việt Nam để dẫn mối, tập hợp các doanh nghiệp tại Việt Nam nhưng cũng chỉ mới ở giai đoạn khởi đầu.

Doanh nghiệp cần nghĩ ngược lại. Đừng chỉ nghĩ đến việc kêu gọi nước ngoài đầu tư nữa mà hãy nghĩ đến việc sang đầu tư trực tiếp bên họ. Hãy làm việc đó dần dần, trước mắt là tiếp cận thị trường, tham gia triển lãm, thông qua các tổ chức, các cơ quan pháp lý nghiêm túc để có thể thực hiện điều đó một cách thuận lợi hơn.

Hiệp hội DNNVV Việt Nam tại Séc hoạt động thế nào trong tình hình hiện nay?

Hiệp hội đã làm việc rất cụ thể với chính phủ, các cơ quan chức năng, với các doanh nghiệp tư nhân ở Séc để họ sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ, chỉ dẫn thông tin, xây dựng mô hình hoạt động tốt cho DNNVV Việt Nam nếu có cơ hội sang đó.

Tiếp cận tất cả vấn đề về thuế, logistics, Hiệp hội giúp doanh nghiệp có đầu ra, đầu vào một cách bài bản để tiếp cận thị trường Đông Âu, đặc biệt là thị trường Séc với nhiều thuận lợi về kho bãi, logistics, giá cả, chi phí thấp và cách hoạt động phù hợp với Việt Nam.

Hiện nay, chúng tôi đã có các hệ thống kho, kể cả kho ngoại quan để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đưa những hàng hóa có thời gian xuất khẩu ngắn, không để được lâu. Loại hình này được Nhà nước Séc chấp nhận và giúp doanh nghiệp có thể đưa vào thị trường những hàng hóa đạt tiêu chuẩn.

Xin cảm ơn ông!


Nguồn tin: tgvn.com.vn


Xem tin theo ngày: