Tin mới
Nhìn lại chuyến thăm và làm việc tại cộng hòa Séc (25/10 - 16/11/2015) của Đoàn đại biểu Hội Hữu nghị Việt Nam – Séc

Ngày đăng: 28/01/2016 - 00:00:00

Thực hiện chương trình công tác đối ngoại năm 2015 của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và kỷ niệm 65 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Cộng hòa Séc, Hội Hữu nghị Việt Nam - Séc đã cử Đoàn đại biểu gồm 12 thành viên do cô giáo tiếng Séc Trần Minh Hiền, Phó Chủ tịch Hội làm Trưởng đoàn thăm và làm việc tại Cộng hòa Séc từ ngày 25/10 đến 16/11/2015.

Đại sứ Trương Mạnh Sơn chiêu đãi Đoàn
Ngày 25/10/2015, chúng tôi bay sang Praha qua Moskva, máy bay hạ cánh muộn 30 phút so với dự kiến. Đến Praha, lái xe người Séc đã chờ sẵn tại Sân bay. Xe rộng nhưng cửa lên xuống nhỏ, hành lý của chúng tôi thì lại hơi to, nên đưa lên xe hơi vất vả một chút. Rồi mọi việc đều diễn ra như mong đợi. Chúng tôi chọn nghỉ tại Anyday Apartments, trên đại lộ Sokolská, Praha 2, gần bến Metro I. P. Pavlova. Từ đây đến các nơi chúng tôi dự kiến khá thuận lợi.
 
Sáng hôm sau, Đoàn chúng tôi đi bộ thăm những nơi chính của Praha: Václavské náměstí, Můstek, Staromětské náměstí, Orloj, Karlův most... rồi mọi người lạc nhau. Nhóm chúng tôi năm người rủ nhau đến thăm Nhà hàng và nơi nấu bia nổi tiếng ở Praha "Pivovar a restaurace u Fleků", đây là nhà hàng duy nhất ở Trung Âu liên tục nấu bia suốt hơn 500 năm qua. Chiều tối hôm đó (ngày 26/10), Đoàn chúng tôi được Đại sứ Trương Mạnh Sơn cùng phu nhân tiếp và chiêu đãi một bữa thịnh soạn. Tới dự còn có một số cán bộ đại diện Sứ quán, ông Hoàng Đình Thắng - Chủ tịch Hội người Việt Nam tại CH Séc và phu nhân. Đây là lần đầu tiên Đoàn của Hội được người lãnh đạo cao nhất của VN tại CH Séc mời cơm chính thức. Cả đoàn rất vui và cảm động. Đại sứ đã nói chuyện thân tình và cởi mở, cùng trao đổi ý kiến về tình hình làm ăn sinh sống của cộng đồng người Việt, hoạt động của Hội Hữu nghị Việt Nam - Séc, Hội Séc-Việt, Hội người Việt Nam tại CH Séc trong năm đặc biệt 2015 này. Đại sứ Trương Mạnh Sơn còn nhấn mạnh “Đại sứ và các cán bộ Sứ quán sẵn sàng tạo điều kiện cho Hội sang thăm lại CH Séc, bất cứ lúc nào Hội cần.”. Chúng tôi cũng đã cảm ơn sự giúp đỡ nhiệt tình của Đại Sứ và các anh chị trong Sứ quán và nhân đây cũng chuyển lời chào và lời chúc sức khỏe của lãnh đạo Hội tới Đại sứ.
 
Nâng cốc chúc mừng tình hữu nghị Việt Nam – Séc, chúc sức khỏe và buổi gặp mặt.
 
Sáng ngày 27/10, Đoàn chúng tôi thả bộ tới Khoa Toán - Lý, trường Tổng hợp Karlova (MFF UK) nằm trên phố Ke Karlovu. Đoàn của Hội Hữu nghị Việt Nam – Séc được tiếp đón như một phái đoàn tầm cỡ. PGS. TSKH Vladimír Baumruk, Phó Trưởng khoa cùng PGS. TS. Ivana Stulíková hướng dẫn chúng tôi đi thăm cơ sở giảng dạy, các phòng thí nghiệm chuyên ngành vật lý. Tôi ngỡ ngàng trước sự thay đổi ở nơi đây, tất cả mọi thứ đều đẹp quá. Ngày chúng tôi học hai sinh viên trong một nhóm cùng làm chung một thí nghiệm, vì không đủ máy móc. Giờ thì từng sinh viên phải thực hiện thí nghiệm một mình. Sinh viên có thể đến làm thí nghiệm bất cứ lúc nào mà họ muốn, miễn là đăng ký trước. Đoàn chúng tôi là đoàn đầu tiên mà người hướng dẫn được giới thiệu bằng tiếng Séc. Chúng tôi cũng được ngồi tại giảng đường F1, nơi một thời rất quen với những sinh viên học chuyên ngành tổng hợp Lý. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì những năm gần đây tôi có ghé lại thăm Khoa nhưng với tư cách cá nhân, chưa lần nào được đón tiếp trang trọng và được thăm lại tất cả nơi đây để thấy hết sự đổi thay. Trưa đó GS. TS. Jan Kratochvíl, Trưởng khoa có mời chúng tôi dự bữa trưa, nhưng vì thời gian ít ỏi, chúng tôi chỉ ngồi trò chuyện đôi chút.  Mới các bạn xem chi tiết thêm tại  trang web của Khoa. http://www.mff.cuni.cz/verejnost/konalo-se/2015-10-delegace/
 
Chiều tối hôm đó, Đoàn chúng tôi đã tổ chức gặp gỡ và mời cơm thân mật Khoa Toán – Lý. GS. TS. Jan Kratochvíl, Trưởng khoa cùng 5 Phó trưởng khoa (đều là GS. hoặc PGS.) cùng một vài cán bộ khác; các thày cô giáo đã từng dạy sinh viên Việt Nam những năm 1967 – 1974 hiện vẫn còn làm việc tại khoa: GS. TSKH. Zuzana Trojanová; GS.TSKH. Pavel Lukáč, GS.TS. Václav Valvoda; GS. TS. Bohumil Smola; PGS. TS Jiří Langer; PGS.TS. Jana Toušková, PGS.TS. Jiří Toušek và ba người bạn Séc cùng học một thời với tôi, giờ họ cũng đã là GS. hoặc PGS. đang giảng dạy tại Khoa, trong đó có PGS. TS Miroslav Kučera người đã một thời thường cho tôi mượn vở ghi chép của anh. Tham dự buổi gặp mặt còn có ông Nguyễn Kim Hệ, Bí thư thứ nhất, đại diện ĐSQ Việt Nam; Ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại CH Séc; Ông Nguyễn Duy Nhiên, Phó Chủ tịch Hội Người VN,  Ông Marcel Winter, Chủ tịch Hội Séc - Việt, cùng Phó Chủ tịch Miloš Kusý. Thật cảm động trước sự có mặt của Thày Trưởng khoa cùng 5 Phó Trưởng khoa, các thày cô đã dạy chúng tôi năm xưa nay đã già yếu, có người ở xa hơn 100 km cũng về gặp lại trò cũ, những người bạn năm nào giờ cũng đã lên ông cũng nhiệt tình đến một nơi khá xa trung tâm Praha, Nhà hàng Đông Đô trong TT Thương mại Praha, nơi mà chưa bao giờ họ đặt chân đến để gặp những cựu sinh viên, các bạn Việt Nam trong Đoàn đại biểu của Hội Hữu nghị Việt Nam-Séc. Ngày 27/10/2015 với “Khoa Toán - Lý (MFF UK ) ngày gặp” là một ngày mỹ mãn của Đoàn chúng tôi, một ngày tràn ngập niềm vui, đầy súc động của thày và trò, những nụ cười hạnh phúc và có cả những giọt nước mắt. Cuộc gặp gỡ ngày hôm ấy là hình ảnh tượng trưng cho cuộc gặp mặt tri ân của các cựu sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam với đất nước Séc, các thày cô giáo Séc, với các bạn bè Séc. Xin cảm ơn tất cả mọi người tham dự, cảm ơn Nhà hàng Đông Đô, Praha đã giúp chúng tôi trong khâu chuẩn bị. Cả Đoàn chúng tôi, các vị khách mời và anh chị em Nhà hàng đều súc động khi thấy các thày cô Séc, ban lãnh đạo Khoa không quản thời tiết giá lạnh, tuổi cao, đường xa đã đến tham dự. Tiếc là thời gian ít quá và chúng tôi không có ai chuyên nghiệp để ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ này.
 
 
Với các thày cô giáo Khoa Toán - Lý đã từng dạy sinh viên Việt Nam
 
Các thày cô muốn biết những sinh viên của họ năm xưa đã và đang làm gì sau khi tốt nghiệp. Tôi đã thay mặt cả Đoàn nhắc đến những cái tên tiêu biểu nhất của các cựu sinh viên như: TS. Hồ Đức Việt, nguyên UV Bộ Chính trị, Trưởng ban TC TƯ Đảng;  PGS. TS. Nguyễn Tiến Nguyên, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử VN;  PGS. TS. Phan Thị Tươi, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa tp. HCM; PGS. TS Phạm Khắc Chi, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang, Tp HCM; PGS. TS. Trần Thị Đức, nguyên Viện trưởng Viện Vật lý ứng dụng và thiết bị khoa học, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam; PGS. TS. Nguyễn Như Đạt, nguyên Phó Viện trưởng Viện Vật lý ; PGS. TSKH. Nguyễn Văn Chiến, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học sư phạm Đà Nẵng; PGS. TS. Nguyễn Thục Hiền, nguyên Trưởng Khoa Lý, ĐHQG Hà Nội, GS. TS. Nguyễn Kim Ngân, nguyên Phó Chủ nhiệm khoa Lý Sinh, trường ĐH Khoa học Tự nhiên; Ths. Nguyễn Văn Côi, nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng truyền hình. Số còn lại là những cán bộ nghiên cứu hay giảng dạy tại các viện và trường đại học khác nhau và một điều thú vị trong đó còn có 6 cựu sinh viên của Khoa Toán Lý đã trở thành những người gieo tiếng Séc tại Hà Nội. Thế hệ sau này còn kể đến tên của TS. Phạm Hữu Uyển, thành viên Hội đồng các dân tộc thiểu số trong Chính Phủ Séc. Các thày cô đã tiếc cho tôi không được làm việc trong ngành vật lý mà tôi đã học với kết quả cũng không đến nỗi tồi. Hôm đó, GS. TSKH. Zuzana Trojanová có nhắc lại: “Tôi nhớ tôi là người làm phản biện cho luận án của em và đã cho em jednička”. Thật súc động cô Trojanová vẫn còn nhớ điều đó, đã hơn 41 qua năm rồi. Tôi đã quên rất nhiều những gì mình đã học, xong điều mà tôi đã học được tại Khoa, điều mà luôn có ý nghĩa đối với tôi, điều không bao giờ quên đó là cách tư duy, cách giải quyết một vấn đề. GS. TS. Jan Kratochvíl, Trưởng khoa đã nói “Tôi thích câu nói của chị. Quả thật Khoa Toán – Lý đã dạy cho sinh viên của mình không chỉ có kiến thức mà dạy cho họ biết tư duy, biết giải quyết vấn đề…Chúng tôi luôn tự hào về những sinh viên của mình. Năm nay, Khoa Toán-Lý lại có 2 sinh viên Việt Nam, họ theo học tự túc chuyên ngành Tin học bằng tiếng Anh. Chúng tôi hy vọng họ sẽ học giỏi như những thế hệ sinh viên VN trước kia.”
 
Với các các lãnh đạo Khoa Toán - Lý
 
Ngày 28/10, Đoàn tìm hiểu thêm tình hình sinh sống, làm ăn và nguyện vọng của bà con người Việt tại CH Séc. Chủ tịch Hội người Việt Nam, Hoàng Đình Thắng cùng các Phó Chủ tịch và anh chị đại diện BCH đã cùng trao đổi các hoạt động nhằm tăng cường trao đổi thông tin và hợp tác và đã thân mật mời cơm Đoàn tại Nhà hàng Hoàng Thành, Praha.
 
Ngày 29/10, Đoàn chúng tôi quyết định cùng nhau đi xuống phía Nam của CH Séc. Trước tiên đến thăm lâu đài Hluboká nad Vltavou, nơi đây ta như bước vào thế giới chuyện cổ tích xa xưa. Trong Đoàn chúng tôi có vợ chồng anh Bùi Đức Lại, anh chị sang Tiệp từ năm 1961 và điều đặc biệt hơn anh Bùi Đức Lại là một trong 3 tác giả chính biên soạn cuốn Từ điển Séc - Việt (Česko-vietnamský slovník) xuất bản lần đầu tiên năm 1968, đến nay các cán bộ, nghiên cứu sinh, sinh viên, người VN vẫn còn đang sử dụng. Cùng đi với Đoàn còn có KS. Nguyễn Quyết Tiến và KS. Nguyễn Đức Lưu. Chúng tôi đi tiếp đến České Budějovice (cách Praha 170 km) thăm và làm việc với các tác giả cuốn Đại từ điển học tập Séc – Việt Ivo Vasiljev và Nguyễn Quyết Tiến. Tiến sỹ, nhà Việt Nam học Ivo Vasiljev, sinh ngày 29/5/1935 đã có nhiều thành tích đóng góp cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước Việt Nam – Séc, đã từng phiên dịch cho Bác Hồ nhân đoàn đại biểu Chính phủ Tiệp Khắc sang thăm chính thức Việt Nam, đã viết và cho đăng nhiều bài báo trên các tờ báo lớn của Tiệp Khắc để ủng hộ Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước và hiện nay… đã dịch và xuất bản tập thơ Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra tiếng Séc, hiện là đồng tác giả cuốn Đại từ điển giáo khoa Séc – Việt…đã nhận Huân chương hữu nghị của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam. Sau khi đón chúng tôi tại căn hộ của mình, anh em rủ nhau ra một nhà hàng tại Quảng trường trung tâm của České Budějovice. Tại đây Đoàn vừa thưởng thức những món ăn rất đặc trưng của Séc và đã được chứng kiến buổi làm việc và trao đổi rất xúc động giữa ba tác giả đã và đang biên soạn từ điển. Thật trân trọng những công trình quý báu của các anh đã và đang dành cho chúng ta.
 
 
Ba tác giả biên soạn từ điển: KS. Bùi Đức Lại, TS. Ivo Vasiljev và KS. Nguyễn Quyết Tiến
 
Chia tay với TS. Ivo Vasiljev, xe chở chúng tôi tới thăm nơi mà vợ chồng hai anh chị trong Đoàn: Nguyễn Hoàng Ánh và Võ Đức Điền cùng nhiều sinh viên Việt Nam đã từng học tiếng Séc ở České Budějovice. Cũng không dễ dàng gì tìm được nơi ấy, đã hơn 35 năm qua rồi. Sau đó chúng tôi hào hứng đi tiếp thăm Český Krumlov, một di sản thế giới được UNESCO công nhận.
 
Một ngày khác…
 
Anh Nguyễn Cường, tác giả bài báo “Câu chuyện tình Việt Nam-Tiệp Khắc: Khi đã yêu thì không thể sai” tháp tùng chúng tôi đến thăm gia đình ông bà Nhung Nechybová. Ông Vladimír Nechyba 95 tuổi, cựu chuyên gia Liên đoàn địa chất Tiệp Khắc sang giúp Việt Nam khảo sát, thăm dò địa chất, nghiên cứu và dự báo trữ lượng khoáng sản tại các khu vực Chợ Điền, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Cạn, mỏ Lang Hít tỉnh Thái Nguyên… từ năm 1958 đến năm 1962. Trong  chuyến thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Séc, đúng dịp kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và CH Séc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có buổi gặp mặt thân mật với bạn bè Séc đã có công giúp Việt Nam, trong đó có ông Nechyba. Bà Vi Thị Nhung, vợ ông Nechyba, người phụ nữ Việt Nam duy nhất tại TP Teplice, đã giúp đỡ nhiều sinh viên Việt Nam trong những tháng ngày đầu tiên khi sang Tiệp Khắc trong những năm cuối 1960. Đây là cặp vợ chồng Séc-Việt thứ 3 thời đó. Hơn 50 năm họ sống bên nhau mà tôi vẫn thấy họ hạnh phúc như cặp vợ chồng trẻ, ríu rít khi có khách đến nhà. Ông bà rất vui khi chúng tôi tới thăm. Hôm đó cô con gái lớn Růženka muốn đón bố mẹ đến nhà chơi, vì đó là ngày Quốc khánh CH Séc, thế nhưng ông bà đã ở lại đón chúng tôi. Ông Vladimír trông vẫn mạnh khỏe, tuy mắt không còn nhìn rõ nữa, còn đôi tay của chị Nhung do bị bệnh khớp nên không thể làm được những gì mình mong muốn. Họ như bù đắp cho nhau. Mỗi lần nghĩ đến chị Nhung, là tôi lại mong muốn sẽ còn dịp được đến thăm đôi vợ chồng tình sâu nghĩa nặng này. Thật cảm động và thú vị khi xem lại những bức ảnh cũ của anh chị. Ngày kỷ niệm 50 năm ngày cưới của anh chị, các con cháu đã bí mật chuẩn bị làm lại đám cưới cho bố mẹ. Bạn bè của họ đóng làm các cán bộ Tòa Thị chính, cũng trao nhẫn, ký sổ đăng ký kết hôn, cũng tuyên thệ… họ tổ chức lại cho bố mẹ như một đám cưới của đôi vợ chồng mới ngày nay.
 
 
Thăm gia đình anh chị Nhung và Vladimír Nechyba
 
Ngày 7/11/2015, một ngày đặc biệt. Không hề có sự bố trí nào trước. Tại Hà Nội, tối đó các cựu sinh viên Việt Nam, những người đã từng học tiếng Séc tại České Budějovice tổ chức buổi tối tri ân thày cô giáo “Večer vděčnosti”, khách mời chính của sự kiện đó là các thày cô giáo đến từ České Budějovice, CH Séc và các thày cô giáo Việt Nam đã dạy tiếng Séc cho họ ở Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Nghe nói rất vui và ấn tượng lắm. Trong khi đó tại Praha, tôi cùng với hai cựu sinh viên, anh Phạm Văn Hiến, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch và dịch vụ hành không Biển Đông và anh Lê Anh Hùng, Giám đốc chi nhánh của Công ty tại Praha đến thăm và trao quà biếu thày Josef Hron (84 tuổi), Thày đã từng là giáo viên tiếng Séc và giảng dạy tại Việt Nam từ năm 1981 – 1986. Vợ chồng Thày đã biên soạn cuốn sách dạy tiếng Séc “ČEŠTINA PRO CIZINCE” mà nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam đã và đang dùng làm tài liệu học tập chính. Đây là lần thứ ba, Đoàn chúng tôi ghé thăm Thày trong chyến đi này. Thày Hron tương đối yếu, thày bị bệnh tim nên sợ tiếp xúc với đông người, Thày không hề đi ra ngoài trừ những lúc phải tới bện viện, nhưng thầy vẫn còn nhớ rõ những năm tháng đã sống và làm việc tại Việt Nam. Những kỷ vật mà sinh viên tặng Thày vẫn treo trên tường và giữ gìn cẩn thận. Thày chia sẻ thầy luôn luôn theo dõi bất cứ tin tức gì trên TV liên quan tới Việt Nam như chuyến thăm gần đây của Chủ tịch nước Trương Tấn San, của Bộ trưởng Ngoại giao Séc Lubomír Zaorálek. Thày Hron gửi lời chào tất cả bạn bè và các cựu sinh viên cũ, gửi lời thăm tất cả mọi người, gửi lời cảm ơn: Hội Hữu nghị Việt Nam Séc và các bạn đồng nghiệp năm xưa đã gửi quà; hai cựu sinh viên Phạm Văn Hiến và Lê Anh Hùng Công ty Du lịch Biển Đông đã tới thăm và tặng quà; các cựu sinh viên học tiếng Séc ở Thanh Xuân khóa 1981-1982: Trần Quang Thái, Nguyễn Mạnh Hùng, Vũ Ngọc Khương, Võ Quang Lâm đã gửi 200 USD; ông Lê Duy Kỳ Trung tâm liên kết Đào tạo đã gửi 5 000 Kč;
 
 
Thày Josef Hron với cựu đồng nghiệp Trần Minh Hiền và PGS. TS Nguyễn Hoàng Ánh, cựu sinh viên
 
Chia tay với thày Hron, chúng tôi tới Khách sạn Lifestyle cạnh Trung tâm Thương mại Sapa, Praha, nơi chúng tôi sẽ gặp lại một số gương mặt thân quen. Buổi gặp mặt tri ân thày cô giáo dạy tiếng Séc với 40 cựu NCS và sinh viên đang sinh sống tại CH Séc cùng với sự tham gia của thày Max Konečný, cô Petra Mullerová đã để lại ấn tượng trong tất cả mọi người. Cô Petra đã mang đến cho các bạn cựu sinh viên và NCS những tình cảm, hình ảnh trong chuyến thăm vừa qua của Thày Cô tại Việt Nam.
 
 
Với các cựu sinh viên đang sống và làm việc tại CH Séc

Thày Max sau này có viết cho tôi: „Jsem opravdu moc rád, že se mi podařilo přijet na to setkání v Praze. Bylo to skutečně moc milé setkání, bylo příjemné a skoro dojemné setkat se s těmi lidmi po tolika letech. A byl jsem překvapený, kolik jich tady v Česku žije a pracuje. A taky mám velkou radost z toho, že jsou tady u nás úspěšní. A navíc jsem se tam mohl, i když jen krátce, zase vidět s tebou.” (“Tôi quả thực rất vui là đã được tham dự cuộc gặp mặt tại Praha. Quả thực đó là một cuộc gặp rất tuyệt, rất dễ chịu và cảm động khi gặp lại những con người ấy sau từng ấy năm. Và tôi cũng ngạc nhiên là từng ấy cựu sinh viên và NCS đang sống và làm việc ở Séc. Tôi cũng rất vui là họ đã thành công ở nước chúng tôi. Và hơn thế nữa tôi lại có dịp gặp bạn mặc dù rất ngắn ngủi...”)
 
 
Thày Max trong buổi gặp với các cựu sinh viên, NCS
 
Vì thời gian có hạn mà công việc thì nhiều, mãi đến hôm nay tôi mới có dịp kể lại một vài hoạt động của Đoàn trong chuyến thăm vừa qua (nếu có điều kiện sẽ kể thêm sau). Mỗi một ngày của chuyến thăm tại CH Séc là một dấu ấn, là một ngày có ý nghĩa, là một hoạt động hữu ích cho hoạt động ngoại giao nhân dân, là một kỷ niệm đẹp đáng nhớ của tình hữu nghị, tình thày trò, tình bạn. Thời tiết như chiều những người con xa nhà lâu năm, những tia nắng cuối thu vẫn còn rất rực rỡ để cho Đoàn chúng tôi còn kịp được hưởng những sắc màu mùa thu trong niềm súc động và hạnh phúc của ngày trở về. Đoàn đã hoàn thành xuất sắc chuyến thăm làm việc tại CH Séc, đã để lại ấn tượng tốt đẹp, những tình cảm tri ân sâu đậm. GS. TSKH.  Pavel Lukáč cựu Trưởng khoa Toán – Lý đã nói thật tuyệt vời khi Đoàn đã tổ chức được cuộc gặp đầy ấn tượng và có ý nghĩa đó. TS. Vasiljev coi chuyến thăm của Đoàn như một nguồn động viên lớn trong công việc biên soạn từ điển. Tất cả các nơi Đoàn đến đều gửi lời cảm ơn tới Hội Hữu nghị Việt Nam-Séc.
 

 
Trần Minh Hiền
 

Xem tin theo ngày: