Tin mới
Nữ bác sĩ giỏi nghề tay phải, xuất sắc nghề tay trái

Ngày đăng: 01/04/2016 - 11:55:22

Thường xuyên xuất hiện trong các phiên làm việc của các đoàn cấp cao giữa hai nước Việt Nam - Cộng hòa Séc, thấy chị ngồi cạnh Thủ tướng nói tiếng Séc như tiếng mẹ đẻ, nhiều thành viên trong phái đoàn ngỡ ngàng khi biết chị là… bác sỹ, nghề phiên dịch chỉ là… tay trái.

Ts. Bs. Nguyễn Thị Thu Hiền (giữa) được Bộ GTVT tặng bằng khen tại lễ khánh thành dự án ODA Tòa nhà nghiệp vụ kỹ thuật bệnh viện Giao thông vận tải T.Ư
Không phân biệt nghề tay trái hay tay phải
 
Thấy tôi nhắc đến nghề tay trái, bác sỹ (BS) Nguyễn Thị Thu Hiền cười: “Trong công việc, mọi thứ cứ đến như cơ duyên, khi mình say mê, làm hết sức thì không phân biệt đâu là nghề tay phải hay trái nữa”. Có lẽ vì lý do đó mà ở Bệnh viện Giao thông vận tải T.Ư, TS. BS. Nguyễn Thị Thu Hiền hay được đồng nghiệp trìu mến gọi là bác sĩ “n trong 1”.
 
“Là ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ, Phó Chủ tịch Công đoàn bệnh viện, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp, phụ trách công tác khám sức khỏe cho người đi xuất khẩu lao động và chăm sóc sức khỏe hệ nội, ủy viên Hội đồng Khoa học, phụ trách mảng hợp tác quốc tế… nếu không phải là bác sỹ đa năng thì không làm tốt hết được”, một đồng nghiệp của BS. Hiền nhận xét.
 
Trò chuyện với tôi, giữa giờ nghỉ của ca khám, BS. Hiền tâm sự, với chị, phiên dịch là để thử sức và cũng là cơ hội để chị học hỏi, mở mang kiến thức ở các lĩnh vực khác nhau. Như năm 2012, được Ban lãnh đạo bệnh viện giao tham gia quản lý dự án xây dựng cơ bản dùng vốn ODA, chị đã mày mò tự học rất nhiều để có thể tròn vai của mình. Đang là bác sỹ, chuyên về công tác khám chữa bệnh, lại “ôm” thêm trọng trách trong một lĩnh vực mới mẻ, nhưng chị quyết tâm làm bằng được vì quá lâu rồi bệnh viện mới có cơ hội đầu tư hạ tầng lớn như vậy. Dự án có thể tạo ra thay đổi rất lớn cho công tác khám chữa bệnh tại bệnh viện.
 
Đến nay, Dự án Tòa nhà nghiệp vụ kỹ thuật và nội trú sử dụng từ nguồn vốn vay từ Quỹ Phát triển quốc tế của các nước xuất khẩu dầu mỏ (OFID) và ngân sách nhà nước với quy mô 7 tầng và 2 tầng hầm, tổng diện tích xây dựng gần 17 nghìn m2, 200 giường bệnh đã được đưa vào sử dụng. “Ngày ngày đi làm, cứ nhìn công trình lại thấy vui, phấn khởi vì mình đã góp một phần công sức trong đó, giúp bệnh nhân được điều trị trong điều kiện trang thiết bị, cơ sở hiện đại hơn”, chị nói, mắt ánh lên niềm vui. 
 
Nữ “thủ lĩnh”
 
Nói thế không quá bởi 12 năm đi học phổ thông, từng đó năm chị làm lớp trưởng. 7 năm học Y khoa Đại học Tổng hợp tại Cộng hòa Séc, chị luôn là thành viên tích cực trong các hoạt động của sinh viên nhà trường cũng như trong cộng đồng thanh niên người Việt. Rồi năm 2002, khi quay lại Séc để học nghiên cứu sinh, làm luận án tiến sĩ, chị được Đại sứ quán Việt Nam và các hội đoàn cộng đồng người Việt tại Séc tin tưởng giao nhiệm vụ Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tại Séc hai nhiệm kỳ.
 
Bác sỹ Nguyễn Thị Thu Hiền (thứ hai từ phải sang) trong buổi làm việc với đoàn chuyên gia nước ngoài
 
Bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, năm 2008 chị trở về tiếp tục công tác tại Bệnh viện Giao thông vận tải T.Ư. Khi đó chị đảm nhận vai trò Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu. Công việc thường xuyên phải đối mặt với áp lực, bận rộn và rủi ro cao. Tuy vậy, không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, chị còn tích cực tham gia các hoạt động phong trào của bệnh viện; là cây văn nghệ, MC số một của bệnh viện.
 
Tố chất “thủ lĩnh phong trào” từ thời thanh niên đã giúp chị làm tốt những nhiệm vụ mới, trong đó có vai trò là Phó Chủ tịch Công đoàn bệnh viện. Trong năm 2015, bệnh viện tiến hành cổ phần hóa, nhiều bác sỹ, y tá rất tâm tư. Công đoàn bệnh viện đã sát cánh với chuyên môn đồng cấp, tuyên truyền động viên cán bộ công nhân viên làm tốt công tác tư tưởng để không ảnh hưởng đến việc khám chữa bệnh cho người dân.
 
Chị chia sẻ: “Hồi đầu một số bác sĩ xin đi, bệnh viện giải quyết, đáp ứng nguyện vọng người lao động. Nhưng sau đó, lại tiếp tục có các bác sĩ khác, mình thấy không ổn nên đã trực tiếp gặp gỡ, vận động từng người với tư cách là một người bạn, người đồng nghiệp. Mình động viên họ thử sức ở giai đoạn mới xem thế nào.
 
Bản thân mình cũng được một bệnh viện lớn của Bộ Y tế gửi công văn sang xin về. Nhưng sau khi tham khảo ý kiến gia đình, rồi nhận thấy những tình cảm gắn bó, tâm huyết những năm qua với bệnh viện, mình quyết định ở lại, cũng còn vì muốn thử sức bản thân trong giai đoạn mới, mô hình mới với nhiều đổi thay, áp lực. Cũng như hồi trước, sau khi tốt nghiệp học vị tiến sĩ, có nhiều lời mời mình làm việc cả ở Cộng hòa Séc, châu Âu và trong nước, mình vẫn trở về với bệnh viện. Vì nơi đây thực sự gắn bó, thân thuộc, là cái nôi đầu tiên để mình trưởng thành khi ra nghề”.
 
Đảm nhận nhiều vai trò, sức mạnh nào khiến chị có thể làm tốt tất cả? Trả lời tôi, chị chỉ cười: “Áp lực ai cũng có, nhưng có tâm huyết và quyết tâm, lại được gia đình ủng hộ nên mình làm được hết”.

Nguồn tin: Thanh Thúy - Lê Tươi (baogiaothong.vn)


Xem tin theo ngày: