Tin mới
KÝ ỨC PRAHA

Ngày đăng: 08/01/2016 - 00:00:00

Vào cuối năm 2011, “Hội những người học nghiên cứu sinh (NCS) tại Tiệp khắc (nay là hai nước Cộng hoà Séc và Cộng hòa Slovakia) khoá 1971” họp mặt hàng năm, đã thống nhất in một cuốn Kỷ yếu để kỷ niệm 40 năm (1971 – 2011) ngày đến và những năm tháng nhiều ý nghĩa đã trải qua trên đất Tiệp.

Với sự khích lệ (và thúc dục mạnh mẽ) của anh Đặng Trấn Phòng, Trưởng ban liên lạc của Hội, tôi cố “lục lọi” trong trí nhớ, đọc lại toàn bộ những bức thư gửi cho vợ từ Tiệp khắc và của vợ gửi từ Việt Nam, suốt gần một tuần lễ đắm mình trong ký ức, đã ghi lại những mảng kỷ niệm, mong góp phần với Hội và cũng mong có chút ý nghĩa cho tuổi già.
 
Tính đến nay đã 45 năm. Khi ấy, lúc lên đường sang nước Tiệp, cả Hội đều độ tuổi 30 -35 trẻtrung, gầy gò, “vêu vao” (vì đất nước chiến tranh, vì vất vả, thiếu thốn), nhưng đầy khát khao, hy vọng. Nay tất cả đã ngoài 70, sấp xỉ 80, một số bạn đã ra đi mãi mãi (tưởng nhớ PGS. TS.Nguyễn Tiến Nguyên nguyên Giám đốc Viện năng lượng nguyên tử VN , TS. Bùi Danh Lưu nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, TS.Lê Nhật Thăng, GS. TS. Nguyễn Thị Kim Ngân), những người còn lại vẫn cố sống tích cực, hưởng những năm tháng “khuyến mại” của Trời, giữ gìn sức khoẻ, hỗ trợ con cháu, và như một “định mệnh”, đôi khi vẫn đau đáu với những vấn đề của xã hội, với “thân phận” của con người, của đất nước, dân tộc…
 
Ngày lên đường thuở ấy và những năm tháng ở Tiệp dần hiện ra như một cuốn phim quay chậm…

Trên tàu Hà Nội – Praha

Khoảng 8 giờ tối 10/10/1971, trong khung cảnh chiến tranh ác liệt ở cả hai miền Nam Bắc, đoàn tàu hoả rời ga Hàng Cỏ (Hà Nội) chở khách lên các tỉnh phía bắc, trong đó có Đoàn NCS lên đường sang Praha thủ đô nước Tiệp Khắc để học tập, nghiên cứu, làm luận án Phó tiến sỹ (nay gọi là Tiến sỹ) với thời gian khoảng 5 – 6 năm.Thiếp tiễn chàng muôn nỗi vấn vương.

Bồng con, lòng nặng nhớ thương,
Con tàu khuất nẻo, dặm trường xa xôi…”.

Tàu chuyển bánh, buông bàn tay gầy yếu của vợ, mình lên tàu, vợ chạy với theo, khóc nức lên, cu Giang (con trai đầu – 6 tuổi) nước mắt đầm đìa, cu Minh (con trai thứ hai – 1 tuổi rưỡi) khóc thét. Mình định chạy về cuối toa để có thể nhìn thấy vợ, con lâu hơn, nhưng không được. Những ngày gần lên đường chưa thấy hết nỗi nhớ này, có lẽ vì quá lo lắng khả năng không được đi. Bây giờ, ngồi trong toa mới thấm thía. Thế là sẽ phải xa đằng đẵng, để lại gia đình trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ, tuy cũng vui mừng là được đến một đất nước thanh bình để học hành, nghiên cứu, và ngay cả người ở lại cũng mừng vì nhiều lẽ.

“Chàng đi đó vào nơi nghiên cứu,
Va ly chàng nặng trĩu ước mơ.
Từ đây từng phút từng giờ,
Thiếp về quê cũ trông chờ cánh thư”…

Vừa trĩu nặng ước mơ về học hành, bằng cấp, vừa ước mơ cải thiện cuộc sống gia đình.

Vợ và hai con nhỏ trở lại nơi sơ tán (làng Nôm, Hải Hưng) trong “thuở đất nước bốn bề khói lửa” của những ngày ác liệt năm 1971-1972. Những chuyến tàu hoả chở bộ đội, mà hầu hết là học sinh mới tốt nghiệp các trường phổ thông trung học nhập ngũ, từ các doanh trại đóng ở các tỉnh phía bắc theo tuyến đường vào Nam, cửa sổ các toa tàu bịt kín mít. Khi đoàn tàu qua các ga trong nội thành, rất nhiều lính trẻ người Hà Nội đã ném xuống đường phố những lá thư từ giã bố mẹ, người thân, viết vội vàng, nguệch ngoạc, mong người dân theo địa chỉ ghi trên thư đưa giúp đến tận nhà. Một người đi đường đã đem đến 129 phố Huế (nhà vợ mình) một lá thư như vậy của cậu Biểu (em vợ). Bao nhiêu bà mẹ khóc thầm trong đêm khuya.

Tàu hoả đến ga biên giới Đồng Đăng vào rạng sáng 11/10. Chờ thủ tục và chuyển sang tầu Trung quốc. Lòng nôn nao, có cảm giác vừa xót thương, vừa mong đợi. 7h00 sáng 11/10 tàu khởi hành tiếp từ ga Bằng Tường (Trung quốc). Ngay bữa ăn đầu tiên trên tàu Trung quốc rất nhiều món, cơm gạo trắng, dẻo, nhiều người trong Đoàn đã rơi nước mắt vì càng nhớ thương vợ, con.

Đoàn dừng ở Bắc Kinh 2 ngày (khách sạn Bắc Vĩ), không biết tiếng nhưng cũng rủ nhau đi mua (dành từ tiền ”tiêu vặt”) để mua quà gửi về (mình mua 1 lọ nhân sâm nước, 1 lọ thuốc bổ sữa ong chúa, 1 ô tô đồ chơi trẻ con chạy cót).

Sáng 14/10 tàu rời Bắc Kinh theo hướng Moskva. Suốt gần 6 ngày đêm, phong cảnh đất nước Trung quốc, Mông cổ, Liên Xô (nước Nga, Ucraina,…) và Tiệp Khắc lần lượt lướt qua cửa sổ tàu:

“Qua đồng nội trăng mờ trăng tỏ,
Dặm trường xa, bỡ ngỡ xiết bao.
Thẩm Dương liễu gọi xôn xao,
Nội Mông cô tịch ào ào gió thu.
Hồ Bai Can mịt mù tuyết phủ,
Rừng Taiga ủ rũ chờ đông,
Ucrain đây, những cánh đồng,
Mùa thu xao xác mênh mông nắng vàng.”

Tàu đến Moskva đêm ngày 19/10/1971. Trong hơn một ngày đợi ở Moskva, mình có đến bộ môn Hệ thống điện trường MEI (Năng lượng) mà năm 1963 đã tốt nghiệp kỹ sư. Các bạn Việt Nam đều khuyên ở lại Moskva sẽ thuận lợi hơn. Nhưng đành theo Đoàn sang Tiệp, lúc ấy nghĩ, biết đâu đến một nước mới cũng có cái hay.

Đêm 20/10, tàu rời Moskva đi Praha, sau 24 tiếng qua vùng phía nam Liên Xô, đêm 21/10 tàu dừng ở ga Chóp (biên giới Xô-Tiệp) để làm thủ tục nhập cảnh và phải đợi khoảng 4 giờ để thay bánh xe của tàu cho phù hợp với độ rộng của đường ray mỗi nước (có lẽ vì lý do an ninh nên tàu hoả bao giờ cũng đến biên giới giữa hai quốc gia vào ban đêm).

Đêm ga Chóp mơ màng còi gọi,
Miền Đông Âu vời vợi là đây.
Viễn du đã bấy nhiêu ngày,
Con tàu xa bến, từ rày buông neo.”

Từ cửa sổ tàu hoả nhìn ra ngoài, có cảm giác đất nước Tiệp gọn ghẽ, giàu có. Qua các vùng nông thôn nhà cửa xinh đẹp, dàn anten vô tuyến san sát. Ở đây trời tháng 10 đã là cuối thu, nhưng tuyết chưa rơi và thời tiết mát như đầu mùa đông Hà Nội, khắp nơi là rừng phong, rừng dẻ đỏ ối (không thấy bạch dương như ở Nga).

Tối 22/10/71, lúc 6h00, tàu vào sân ga Praha. Cảm giác đầu tiên là Praha có rất nhiều kiến trúc kiểu Gôtich, nhà nhiều mặt và mái rất dốc, giống như căn nhà nằm cạnh chùa Quan Thánh bên Hồ Tây ở Hà Nội.
 
Những tháng ngày học tiếng Tiệp

Sau mấy ngày nghỉ, khám bệnh, cả đoàn về một Trung tâp dạy tiếng Tiệp cho sinh viên ngoại quốc. Đây là lâu đài cổ của một Bá tước ngày xưa, cách Praha quãng 80 Km, có tuyến xe buýt thường xuyên nối với Praha (giá vé một lượt là 25 couron). Lâu đài rất rộng, ngoại vi có rừng cây, nội thất có hội trường (để tổ chức dạ tiệc), phòng chiếu phim, phòng điện thoại trong nước và quốc tế. Địa chỉ gửi thư là: Studijní Středisko, USL, Zahradky u České Lípy, ČSSR (Trung tâm đào tạo trường Đại học 17 tháng 11, Zahradky u České Lípy, Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Tiệp khắc).

Vùng này cách biên giới Cộng hoà dân chủ Đức (Đông Đức) khoảng 80 Km. Cảnh trí thanh bình, đẹp đến xót xa trong tâm trạng những người mới xa đất nước.

Chàng nơi đất châu Âu khuất nẻo,
Thiếp quê nhà lạnh lẽo chờ mong.
Đêm ngày thao thức nhủ lòng,
Chăn đơn, gối chiếc ngóng trông chàng về.
Chàng thương thiếp trăm bề chăng lẽ ?
Thiếp quê nhà đơn lẻ, chàng ơi !

Dù cho non nước đầy vơi,
Tình xưa, nghĩa cũ một đời sắt son.
Sông nước đã chảy mòn đá núi,
Thu qua rồi, gió gọi vào Đông,
Sau nhà lúa đã trổ đòng,
Vườn bên lựu đỏ đâm bông lập loè.

Đoàn NCS chia hai Lớp: Lớp A (12 người) gồm các ngành Toán; Lý, Cơ khí, Xây dựng; Điện; Lớp B (quãng 15 người) gồm Hoá; Sinh vật; Y; Dược;… Mỗi tháng học bổng là 1200 Couron (bằng giá 1,5 chiếc xe đạp Eska khi đó), ủng hộ “Quỹ chống Mỹ” 100 couron.

Lớp A, thày dạy tiếng Tiệp lúc đầu là ông Barton, người Tiệp, 34 tuổi (cùng cỡ tuổi như các học viên trong Lớp), 10 năm về trước tốt nghiệp Đại học tổng hợp Praha, thạo tiếng Nga, Anh, Đức. Thày tâm sự với học viên là cách đây 2 năm bị đau cột sống, năm ngoái nằm viện suốt, hiện chưa khỏi hẳn, đêm chỉ ngủ 3-4 tiếng. Vợ cũng dạy tại Trung tâm này, nhưng hai người đã ly dị (có một con trai 4 tuổi). Gương mặt thày đẹp trai, nhưng lúc nào cũng đượm buồn, mệt mỏi.

Bầu không khí học tiếng rất phấn khởi. Buổi lễ khai giảng rất trang nghiêm, từng học viên lên sân khấu, chạm tay vào gậy (nên học viên Việt Nam gọi là “Lễ sờ gậy”) trước mặt ông Giám đốc Nhà trường và hứa hoàn thành nhiệm vụ. Đoàn NCS Việt Nam chắc chắn sẽ hoàn thành nhiệm vụ “kép”, vì ngoài học tập còn lo cải thiện cuộc sống cho gia đình ở nhà.

Như lệ thường của tất cả mọi người Việt Nam khi nước ngoài thời ấy, ngoài thời gian học tập, hầu như tất cả NCS đều lo lắng mua hàng gửi về gia đình. Khi mới sang thì lo mua quần áo, sau một hai năm thì mua các mặt hàng “chiến lược”. Trong thư của mình gửi vợ ngày 20/12/1971 (sau tròn 2 tháng đến đất Tiệp) có đoạn thông báo rất phấn khởi: “Hôm trước anh đã mua được 2m lụa đen rất đẹp, kiểu lụa trơn ở ta, rất đen và mềm, khổ đúp 1m4 để em may 2 quần”.

Trong Đoàn chỉ có vài bạn chưa lập gia đình, còn đa số là có một đến hai con nhỏ. Những ngày nghỉ, từng nhóm NCS lại gặp nhau, thông tin về tình hình ở nhà, nhiều người thổ lộ, trong bữa ăn, không cầm được nước mắt, vì thương nhớ vợ con ở nhà, nơi sơ tán, bom đạn.

Năm kề tháng bốn bề tất tả,
Thiếp thay chàng vất vả nuôi con.
Tuổi thơ ngày tháng lớn khôn,
Nhìn con đôi chút tâm hồn thảnh thơi.

Một đặc điểm của Đoàn NCS khoá 1971 là được tuyển chọn kỹ (lần đầu tiên ở Việt Nam phải thi đi NCS gồm: Toán; Môn cơ sở và Môn chuyên ngành) nên sang đây hoà nhập khá nhanh, cả hai lớp đều học và dùng tiếng Tiệp (các khoá trước đây thường qua tiếng Nga, Anh, Pháp). Không khí sinh hoạt của Đoàn thân mật, cởi mở.

Buổi liên hoan Noel đầu tiên (24/12/1971) tại đây (Zahradky), chỉ mới qua hai tháng học tiếng Tiệp, mà mọi người đã mạnh dạn đọc thơ, kể chuyện tiếu lâm bằng tiếng Tiệp (xem đoạn trong Hộp dưới đây), gây ngạc nhiên và dành được nhiều cảm tình của các thày, cô giáo và bạn bè.

Mình kể bằng tiếng Tiệp câu chuyện tiếu lâm “Cái chăn bông” do vợ thu lượm từ đội ngũ giảng viên Trường Trung cấp Địa chất: “Khi giảng bài học về Cây Bông (để lấy sợi dệt chăn bông)”, một thày giáo muốn bải giảng sinh động nên định dắt dẫn tình huống từ cái chăn bông, nhưng kết thúc thật trớ trêu:

Thày giáo: Em A hãy đứng lên và cho cả lớp biết “Buổi tối mùa đông trên giường ở nhà em có cái gì’? (thày chờ đợi trò A trả lời có cái chăn bông, là thày sẽ nhập đề về cây Bông).

Trò A: Thưa thày, có mẹ em nằm ạ.

Thày giáo hơi lung túng, nhưng rất nhanh trí, hỏi luôn: “Thế trên người mẹ em là cài gì? (thày lại đợi câu trả lời “là cái chăn bông”!).

Trò A đỏ mặt và lung búng trả lời: “Dạ,…là bố em ạ”.

Thày giáo quá thất vọng, quát to “Thế cái chăn bông đâu rồi?”

Trò A mặt như mếu: “Dạ, nó rơi xuống đất a.!”.

Câu chuyện vui “Cái chăn bông” được lưu truyền trong Đoàn NCS và càng kích thích niềm thích thú học tiếng Tiệp. 

Vào những lúc nghỉ, một nhóm ở Lớp A (mình chấp bút, cùng Nguyễn Tiến Nguyên, Trần Văn Cánh,…) đã cùng làm bài “Vợ Nghiên cứu sinh ngâm” (nội dung là những đoạn thơ in nghiêng trong bài viết này), có vẻ “lâm ly” theo giọng “Chinh phụ ngâm” để thể hiện nỗi nhớ thương vợ con ở nhà và tự hứa phải học tập, nghiên cứu thành công.

Vào cuối năm học tiếng, cả lớp đã viết được những bài luận bằng tiếng Tiệp rất súc tích, tràn đầy tình cảm, chứa chất nỗi niềm nhớ nhà, thương sót vợ con, người thân nơi quê hương đang chìm trong chiến tranh. Với đề luận “Người mà anh/chị thấy gần gũi và yêu quý”, mình đã viết một bài dài về vợ, kể lại quá trình từ lúc quen nhau đến lúc này (1971) với lời lẽ cố gắng đơn giản (vẫn phải dùng từ điển), nhưng chứa đựng tình cảm chân thành. Đưới đây xin chép lại Bản dịch sang tiếng Việt.

 “Con người gần gũi và thân mến của tôi”

Hà Nội, mùa thu 1959. Tôi học năm thứ 3 trường Đại học Bách Khoa. Gia đình tôi ở nông thôn. Tôi sống trong ký túc xá. Hàng ngày tôi dành hầu hết thời giờ cho việc học và đọc tiểu thuyết. Đôi khi tôi làm thơ. Những bài thơ của tôi khi ấy thường buồn vì mẹ tôi ốm nặng. Tôi rất ít ra phố và cũng không thích làm quen với bạn gái. Bạn bè thường nói tôi nhút nhát...

Một buổi sáng chủ nhật. Tôi đến chơi nhà một người quen ở Hà Nội. Ở đó tôi tình cờ gặp lại một cô gái, ngày xưa có biết hồi còn nhỏ. Nàng không kiều diễm nhưng dịu dàng, mái tóc rất dài, đôi mắt mở to và trong sáng. Khi nhìn vào đôi mắt đó tôi cảm thấy rằng nàng sẽ hiểu thấu niềm vui và nỗi khổ của tôi, sẽ đem lại cho tôi hạnh phúc.

Nàng nói khẽ và ít, ngồi bên bàn và đan len. Tôi biết nàng đang học năm cuối phổ thông, là học sinh giỏi. Ngoài thì giờ học còn phải đan giúp mẹ, chăm sóc các em. Nàng thích toán và cũng ham đọc tiểu thuyết. Suốt buổi gặp đó tôi nói rất ít, lặng ngắm đôi mắt mở to và đôi bàn tay dịu dàng thoăn thoắt đan áo. Trái tim tôi tràn ngập một cảm xúc kì lạ, xao xuyến, sung sướng và hồi hộp...

Từ biệt nàng, về ký túc xá sinh viên tôi nhận ra rằng đã yêu nàng nhưng không đủ can đảm để nói ra điều đó.

Có những chiều tôi đi trên hè phố trước nhà nàng, nhìn vào thấy nàng đọc sách sau cửa sổ. Có những chiều tôi đến nhà nàng, nhưng cả hai nói rất ít.
Chúng tôi có nói về việc học, về mùa thu, về những sách đã đọc... nhưng tôi không kịp nói với nàng câu: “Anh yêu Em”.

Về ký túc xá tôi viết những bài thơ về mối tình đầu đó. Mấy tháng sau tôi được sang Liên Xô tiếp tục học đại học. Trước khi đi xa, tôi đến nhà nàng và định lần này sẽ nói điều đó. Nhưng tôi đã không làm nổi. Tôi để lại cho nàng một quyển truyện, trong đó có kẹp tờ giấy viết bài thơ nói về tình yêu của tôi đối với nàng. Nhưng khi trao quyển sách, tờ giấy đó rơi xuống bàn, tôi đã giữ lấy và không đưa nữa.

Đã đến lúc phải xa nhau.

* * * * *

Một năm sau. Cùng với thư, tôi đã gửi cho nàng tờ giấy trên đó có bài thơ ngày trước. Tôi xao xuyến, nóng lòng đợi trả lời. Trong thư trả lời nàng nói thích bài thơ đó nhưng sợ và không biết trả lời ra sao...

Sau một số bức thư nàng đã nói với tôi : “ Em yêu Anh”.

Chúng tôi sống những năm chờ đợi. Những bức thư mang lại cho chúng tôi niềm sung sướng, bồi hồi.

Mùa xuân 1963 tôi tốt nghiệp đại học và về nước. Tôi bắt đầu giảng dạy ở trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, nàng học trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Chủ nhật hàng tuần tôi đến trường đón nàng.

Vẫn như trước đây, nàng ít nói và thích nghe tôi nói. Nàng học khoa Toán và chúng tôi thường nói chuyện về toán. Cũng chính vì vậy từ đó tôi yêu toán.

Mùa xuân 1964 chúng tôi cưới nhau. Vợ tôi chính là cô gái, năm năm trước đây đã đem đến cho tôi mối tình đầu. Bây giờ nàng tốt nghiệp đại học và trở thành giáo viên toán.

Chúng tôi sống những năm vất vả và hạnh phúc. Đất nước đang chiến tranh chúng tôi phải sống trong rừng, sống xa nhau. Những người thân ra mặt trận. Nàng dạy học xa Hà Nội. Tôi làm việc ở Hà Nội và thường về nhà vào dịp nghỉ phép và chủ nhật. Những phút giây chung sống thật ngắn ngủi. Đứa con trai đầu lòng của chúng tôi cũng sinh ra vào những năm khó khăn đó.Chúng tôi sống hoà thuận. Nhiều tối tôi đọc truyện ngắn Paustôpski. Nàng lặng lẽ nghe, nhìn tôi. Vẫn như trước kia, nàng ít nói nhưng bây giờ thường hay khóc.

Những con đường trong chiến tranh ác liệt. Chúng tôi cùng nhau đợi tàu trong những ga đổ nát. Đêm tháng chạp giá lạnh, lo sợ. Những ngôi sao trên bầu trời đêm run rẩy. Mỏi mệt, nàng tựa vào tôi và thiu ngủ. Chúng tôi nói chuyện với nhau về tương lai, về hạnh phúc, về những nỗi vất vả mà con người luôn phải từng trải ...

* * * * *

Mùa thu năm 1971. Sau 12 năm, lần thứ 2 chúng tôi lại phải xa nhau trong thời gian dài. Tôi sang Tiệp hơn 4 năm học nghiên cứu sinh.

Trước đây 10 năm, ở Mạc Tư Khoa mỗi lần nhớ đến nàng (một cô gái còn sợ khi tôi nói với nàng về tình yêu) tôi đều có cảm giác nôn nao và mơ mộng. Khi đó tôi mong ngày về nước với cảm giác vui vẻ và kì lạ. Nhưng hôm nay, ở nước Tiệp, nỗi nhớ thương đã trở nên khủng khiếp và đau đớn...

Tôi nhận thư nàng hàng tuần. Tôi biết rằng, ngày 10 tháng 10 năm ngoái (1971) khi tôi rời Hà Nội, nàng đã khóc suốt đêm đó, nàng hiện đang sống cô đơn và hàng ngày đợi tôi về...

Người vợ yêu quý và tội nghiệp! ở đây anh chợt nhận ra rằng, không ở đâu, không có ai trên thế gian này yêu anh như Em, người vợ bé bỏng đang sống nơi làng quê hẻo lánh. Chính điều đó đã đem đến cho anh niềm hạnh phúc lớn lao và nỗi buồn sâu sắc, đang cho anh sức mạnh để học tập và sống .

Các bạn trong hai lớp đều viết những bài dài và sâu sắc. Bà giáo (Maria Krejchovkaja) rất ngạc nhiên và khen ngợi. Toàn Đoàn, ai cũng thấy phải quyết vượt qua khó khăn. NCS các khoá trước thường phải kéo dài thời hạn, truyền lại là thi nhận và thi Minimum (các môn tối thiểu) rất khó.

Chàng nơi đó khôn nguôi nỗi nhớ,
Mong ngày về hội ngộ hàn huyên.
Ngày đêm sử nấu, kinh nghiền,
Mải vui đèn sách, lãng quên hội hè…

 
Thi nhận vào NCS
 
Vì có chuẩn bị nội dung nghiên cứu từ trong nước nên ngay sau khi có thày giáo hướng dẫn làm NCS, mùa xuân 1972 mình đã lên Praha gặp thày, giáo sư Trojánek Zdeněk, người nhã nhặn, nói nhẹ nhàng, trước đây đã tốt nghiệp Kanđiat (phó tiến sỹ) ở trường MEI, Moskva. Với động cơ làm nhanh để được về phép giữa kỳ, mình đề xuất nguyện vọng được thi nhận sớm, có thể ngay trong thời gian học tiếng Tiệp.

Ngày 15/6/1972 nhận được Giấy báo từ Khoa Điện, Đại học kỹ thuật Praha (ČVUT) gửi về Trung tâm học tiếng, là thi nhận vào sáng 22/6/1972. Buổi thi diễn ra đơn giản, Hội dồng chấm gồm 4 người, trong đó có thày giáo sẽ hướng dẫn, ngồi quanh  bàn tròn cùng thí sinh là mình. Bắt đầu, thày giáo hướng dẫn hỏi luôn “Anh nói và hiểu tiếng Tiệp chứ?”, mình trả lời “Cũng được” (có thể dùng tiếng Nga, nhưng mình mạnh dạn dùng tiếng Tiệp, hy vọng hội đồng có cảm tình hơn). Ông chủ tịch hỏi tiếp “Anh tốt nghiệp đại học ở đâu? Muốn nghiên cứu vấn đề gì ở đây?”. Thế thôi, không xem bằng, hoặc hỏi về hướng nghiên cứu. Một ông chuyển tới mình tập giấy và cái bút. Tiếp theo là lần lượt 10 câu hỏi, từ vẽ sơ đồ, viết phương trình vi phân, đến các vấn đề chuyên môn sâu. Cũng may, ở Việt Nam mình đã thi để đi NCS và có chuẩn bị chuyên môn, nên chỉ bị “tắc” câu thứ 2 (về Máy điện, hơi xa ngành của mình, câu hỏi về giải phương trình vi phân và vẽ đường cong) còn trả lời được hết. Trong Hồ sơ tiếp nhận có đề nghị mình ghi cả tên vợ, con, thày giáo bảo trong thời gian NCS ở Tiệp, nếu vợ, con sang thăm thì được tạo điều kiện lưu trú (một điều quá xa lạ với Việt Nam lúc bấy giờ)!

Sứ quán có quy định cho phép 01 năm học tiếng Tiệp, sau đó có 3 tháng chuẩn bị cho Thi nhận (nghĩa là đối với khoá NCS 1971 đến tháng 1/1973 mới hết hạn thi nhận); 1 năm rưỡi cho thi Tối thiểu, và 1 năm 9 tháng cho Luận án. Sứ quán cũng đồng ý nếu ai làm xong sớm, nếu có nguyện vọng thì có thể ở lại Tiệp thực tập cho đến thời hạn 4,5 năm, và ưu tiên cho NCS vượt thời hạn được về phép.

Ngay sau buổi Lễ kết thúc khoá học tiếng Tiệp (30/7/1972) sáng 31/7/1972 mình lên Praha để vào ký túc xá, chuẩn bị thi Minimum (Tối thiểu).

Từ 10/8/1972 mình chính thức là NCS tại Bộ môn Hệ thống điện, Khoa Điện, Đại học kỹ thuật Praha (ČVUT), một trường nổi tiếng của Tiệp Khắc.Địa chỉ: Pokoj 46, Blok 4, Kolej Strahov, Praha 6. Bắt đầu những ngày vừa hăng hái học các môn thi Tối thiếu với động lực mạnh mẽ, vừa “chăm lo” mua một số đồ dùng (quần áo trẻ con, vải,..) gửi về Việt Nam.

Thi Tối thiểu (Minimum)

Ngày 29/8/1972 mình gặp thày giáo hướng dẫn để trình bày hướng nghiên cứu cho luận án (sử dụng các mô hình toán trong quy hoạch, điều khiển hệ thống điện). Thày giáo có học hàm giáo sư nhưng không là Tiến sỹ khoa học. Có lẽ đây cũng là một thiệt thòi cho mình, khó tạo điều kiện hỗ trợ để mình phát triển luận án. Mình có nói ý định thi Tối thiểu sớm để có thể về phép giữa kỳ, thày giáo rất ngạc nhiên, tại sao thời gian lâu như vậy (hơn 1 năm rưỡi xa nhau) mà không về hoặc vợ con không sang thăm! Mình lại phải giải thích vì đang chiến tranh…Thày giáo đề nghi thi Tối thiểu tất cả (6 môn và 1 Tiểu luận) và cố gắng vào tháng 3/1973 (nhưng ghi vào Sổ nộp Khoa là tháng 6/1973, để có dự trữ).

Ngày 18/1/1973: Hiệp định Paris về Việt Nam được ký giữa 4 bên: Việt Nam Dân chủ cộng hoà (miền Bắc); Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam; Cộng hoà Việt Nam (miền Bắc vẫn gọi là chính quyền Nguỵ) và Mỹ. Theo Hiệp ước này, quân đội Mỹ rút khỏi miền Nam, hai bên Bắc-Nam Việt Nam đình chiến. Các bạn Tiệp rất vui, gặp đâu cũng chúc mừng, nhưng rất lạ, người Việt Nam ở đây chỉ thấy là có những ngày tạm thời yên tĩnh ở quê hương, còn chưa thật hồ hởi (có lẽ mọi người đều hiểu rằng chiến tranh chưa thể kết thúc, vì mục tiêu của cách mạng là giải phóng miền Nam, Mỹ mới “cút”, nhưng Nguỵ chưa “nhào”!

Tiểu luận đã nộp vào tháng 2/1973 và trích một chương để đăng báo tại Tạp chí “Năng lượng” của Viện Hàn lâm khoa học Tiệp khắc. Sau đó trích nội dung luận án đăng tiếp một bài nữa (mỗi bài được nhuận bút 1500 couron, nhớ lại là xe máy Babeta 2700 couron, xe đạp Eska giá 800 couron).

Ngày 15/3/1973 thi Tối thiểu, từ 12h30. Hồi đồng gồm 6 người, hỏi gần 2 tiếng, lần lượt các môn. Mình phải đứng trước bảng trình bày (cũng may, đã quen giảng dạy ở nhà). Ông giáo hướng dẫn cũng trong Hội đồng, nhưng không hỏi. Mình trả lời hoàn hảo (hơn kỳ Thi nhận). Hội đồng tuyên bố “Kết quả tốt. Hội đồng hài lòng và mong NCS tiếp tục triển khai nghiên cứu những hướng đã đề ra trong thời gian làm luận án”. Thày giáo hướng dấn chúc mứng và nói “Trả lời tốt lắm”.

Tham dự Hội nghị khoa học tại Bucarest (Rumanie) về Năng lượng từ 12/9 đến 19/9/1973

Đi theo tiêu chuẩn cán bộ nghiên cứu của Bộ môn (trường ČVUT quy định 3 mức tài chính đi hội nghị khoa học ở nước ngoài: mức 1 cho Hiệu trưởng, Giáo sư; mức 2 cho Phó giáo sư, Phó tiến sĩ; mức 3 cho Giảng viên, trợ giảng; mình được hưởng mức 2. Nhận tiêu chuẩn: lưu trú là 170 couron/đêm và ăn, tiêu vặt là 132 couron/ngày (quá sức tưởng tượng khi đó, vì ở Praha, mỗi ngày NCS Việt Nam chỉ ăn hết 10 – 15 couron!). Đi từ Praha đến Bucarest bằng máy bay (hết 2h30 phút). Báo cáo khoa học của mình (trình bày bằng tiếng Nga, có một người phiên dịch đi cùng suốt đợt hội nghị) tại Hội nghị được chú ý nhiều. Từ sau khi tốt nghiệp đại học, đây là lần đầu tiên mình trình bày tại hội nghị quốc tế. Sau Hội nghị, ông Chủ tịch (Giám đốc Viện Nghiên cứu năng lượng Bucarest) mời đến Viện trao đổi và Viện nhận đăng một bài báo trên Tạp chí của Viện (người phiên dịch chuyển sang tiếng Anh), mình hoàn tất ngay trong mấy ngày còn lại ở Bucarest. Một tuần bận rộn, nhưng vẫn dành thời gian nhờ các bạn NCS ở đây mua thuốc “Cải lão hoàn đồng” và “Sữa ong chúa” để gửi về nhà!

Trở lại Praha bằng tàu hoả (mất 22 giờ) hạng nhất (có bồn rửa mặt trong khoang nằm), qua Budapest (thủ đô Hungari) dừng 30 phút, có ra ngoài ga xem thành phố một chút.

Tuần sau đó, Đại sứ Việt Nam ở Tiệp gặp và đồng ý cho về phép giữa kỳ (như một phần thưởng, nhưng tất nhiên cá nhân phải bỏ tiền).

Từ cuối tháng 10/1973 nộp dần từng chương của Luận án (Bộ môn cho mượn máy chữ để tự đánh, luận án viết bằng tiếng Tiệp). Nộp luận án ngày 25/11/1973. Về phép 3 tháng từ 15/12/1973 (ăn tết ở nhà). Tối 27/12/1973 tàu đến Hà Nội, vợ cùng con trai đầu (8 tuổi) và gia đình bên vợ ra đón, đợi lâu bị lạnh. Nhìn vợ gầy do vất vả và mất ngủ lòng xót xa. Về nhà bố mẹ vợ (129 phố Huế) thấy cu Minh (con thứ hai, 3 tuổi rưỡi) bị lên sởi nặng nằm trong màn, càng thấy thương vô hạn. Chiến tranh vẫn tiếp diễn ở miền Nam, bộ đội vẫn đi B (vào Nam), C (Lào), K (Campuchia). Những ngày phép ở nơi sơ tán và Hà Nội hạnh phúc và nặng trĩu trong lòng về kế hoạch “hợp lý” gia đình về Hà Nội.

Tháng 3/1974 sang lại Praha. Chuẩn bị bảo vệ luận án.

Bảo vệ luận án

Sáng 20/6/1974, từ 10h00 đến 12h00. Cuộc bảo vệ diễn ra nhẹ nhàng, hội đồng gồm 4 giáo sư: thày hướng dẫn, 1 giáo sư từ Viện Hàn lâm khoa học Tiệp; 1 phản biện là giáo sư từ đại học Plzeň; và 1 giáo sư từ Brno. Khách tham dự có các cán bộ trong Bộ môn và anh Tạ Thế Truyền cán bộ Sứ quán Việt Nam phụ trách NCS. Vậy là hoàn thành nhiệm vụ học tập tại Tiệp (vẫn còn một nhiệm vụ cải thiện cuộc sống gia đình!).

Thực tập sau phó tiến sỹ

Từ 1/7/1974 mình là Thực tập sinh tại Viện Điều khiển học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Tiệp Khắc. Viện ở Praha 12, phải đi tàu điên khá xa, quãng 1 tiếng từ Ký túc xá ČVUT. Thời gian này chủ yếu đọc sách, viết báo khoa học và nhận lời đề nghị của Sứ quán, làm công tác Đoàn Thanh niên (Bí thư Thành Đoàn thanh niên Việt Nam ở Praha), và …“lùng” hàng hoá rẻ, nhưng có hiệu suất cao để gửi về nhà (NCS thường mua vải nilon bán theo cân; đầu máy khâu cũ; mì chính,…). Trong thư gửi vợ ngày 10/7/1974 có đoạn “Hôm qua, may quá trên đường từ Thư viện về nhà, anh ghé vào một cửa hàng thấy có loại nilon cân (từng miếng, bán theo cân) màu đẹp: hồng, trắng nhạt, gụ thẫm. Cùng một công, và cũng đã có thông tin từ nhà, nên anh thực hiện luôn 4 Kg”).

NCS báo cho nhau những nơi có đầu máy khâu cũ (hoặc xem thông tin rao vặt trên báo) và thăm thường xuyên các cửa hàng đồ cũ (partiové). Những món hàng mà khi mang về đến Việt Nam thì rất quý, nhưng ở Praha này mỗi khi đi mua và mang lên tàu điện thì thấy xấu hổ, nhục nhã, vì đều mua giống nhau, khối lượng lớn và người Tiệp không mang đồ vật nặng lên phương tiện giao thông công cộng. Nhưng cứ nghĩ đến hoàn cảnh ở Việt Nam thì mọi cái đều phải vượt qua, miễn là lương thiện, không phạm pháp.

Ngày 28/11/1974, Lễ trọng thể trao bằng Phó tiến sỹ (Việt Nam hiện nay gọi là Tiến sỹ) tại Giảng đường lớn của trường ČVUT. Nhà trường đưa thêm 5 Giấy mời cho người thân trong gia đình, bạn bè (mình đã mời các bạn bè cùng khoá ở Praha).

Ngày Hoà bình, thống nhất đất nước 30/4/1975

Không thể tả hết nỗi sung sướng của những người NCS xa quê hương, đang ngày đêm nhớ thương vợ, con, người thân và lo lắng cảnh đạn bom ở nhà. Có cảm giác lạ lùng, như trút bỏ một khối đè nặng trong đầu, trong tim. Tâm hồn thấy nhẹ bẫng, thở phào, vì đến lúc này mới thật sự cảm nhận được thế là đã hết chiến tranh, được sống yên ổn, được đoàn tụ. Riêng mình, thấy hé mở ra khả năng vợ được chuyển công tác về Hà Nội. Suốt mấy năm liền, vợ xin chuyển công tác nhưng Trường Trung cấp thuộc Tổng cục Địa chất không cho đi (ông Vụ trưởng Vụ Tổ chức của Tổng cục nói là “người ta còn xa nhà vào Nam chiến đấu thì sao!”). Bây giờ hoà bình rồi, chắc họ sẽ cho đi (nơi nhận thì có thể xin được).

Tháng 4/1976 mình về Hà Nội, trở lại Bộ môn Hệ thống điện, Khoa Điện, Trường đại học Bách khoa Hà Nội.

Từ 1976

Biết bao nhiêu đổi thay. Gần 36 năm trôi qua (bằng cả một thời gian để nước Hàn quốc từ nghèo khổ trở thành hưng thịnh, phát triển), những sự kiện, những chỗ ngoặt của cuộc đời cá nhân mình, của đất nước, hiện lên với những ấn tượng không bao giờ phai mờ.

Ngay năm 1976 vợ xin được chuyển công tác về giảng dạy Toán tại Khoa Tại chức, trường Đại học Bách khoa Hà Nội (cái ông Vụ trưởng tổ chức của Tổng cục Địa chất cũng rời Hà Nội về tiếp quản miền Nam). Quà cáp chỉ là mấy lọ mì chính hoặc miếng vải nilon!

Đất nước đã hoà bình (hết chiến tranh), nhưng chưa hẳn thanh bình, no ấm.

Những năm (1980 -1990)

Suốt hơn 10 năm cuộc sống “bao cấp” thống trị toàn xã hội: Mọi người là cán bộ đều sống hạn mức hàng tháng bằng tem phiếu, từ gạo, vải, đến chiếc áo lót, quần đùi, lốp xe đạp,…. Người dân truyền nhau:

Tôn đản: chợ của “vua, quan”,
Vân hồ: chợ của “trung gian, nịnh thần”
Đồng xuân: chợ của thương nhân,
Vỉa hè: chợ của nhân dân “anh hùng”!

Cửa hàng trên phố Tôn Đản phục vụ cán bộ cao cấp (thứ, bộ trưởng trở lên), cửa hàng Vân hồ cho cán bộ cấp cục, vụ, viện (trung cấp), còn người dân phải mua bán ở “chợ đen” vì không được lĩnh tem phiếu. Gương mặt người lớn tuy không còn hoảng hốt vì bom đạn, nhưng vẫn xanh xao, ngơ ngác vì thiếu ăn, thiếu mặc. Trẻ con không đủ sữa hộp.

Tiếp theo hàng trăm ngàn người từ miền Nam đã “di tản” dịp 30/4/1975, đến lúc này rất nhiều người ở miền Nam, nhất là những công chức, sinh viên thời chế độ Sài gòn cũ, lại tìm cách “vượt biên” bằng đường biển, vào các trại ti nạn để đến được các nước nước tư bản. Một số sinh viên từ miền Bắc di du học ở các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) cũng tìm cách “chạy” sang các nước tư bản.

Ở miền Bắc, cán bộ khoa học, giảng dạy đại học, trung học, công nhân… tìm mọi cách để được ra nước ngoài nghiên cứu, thực tập, lao động, dạy học... Nhiều giáo sư, nhà khoa học tuổi xấp xỉ hoặc ngoài 60 vẫn rất hăng hái ngày đêm luyện tiếng Pháp, tiếng Bồ đào nha để sang châu Phi dạy, từ đại học, đến trung cấp, học nghề…Anh bạn Nguyễn Đức Phú, giáo sư Đại học Bách khoa đã ghi lại nỗi cô đơn khủng khiếp:

“Hoàng hôn trên xích đạo,
Bâng khuâng đôi bán cầu.
Chuyên gia buồn viễn xứ,
Nhớ thương đến bạc đầu”.

Tháng 3/1982 mình được Bộ đại học cho đi thực tập tại Đại học Bách khoa Grenoble (một thành phố phía nam nước Pháp). Trước khi đi bà Lan vụ phó Vụ Tổ chức của Bộ (người khu 5, trình độ chỉ cấp 2, nhưng Bộ trưởng và các thứ trưỏng đều vị nể) đã cảnh cáo các thực tập sinh đã chuẩn bị những công trình nghiên cứu, là “sang Pháp không được bảo về Tiến sỹ cấp nhà nước (Docteur d’Etat của Pháp, tương đương tiến sỹ khoa học ở các nước XHCN), vì đã có bằng phó tiến sỹ Liên Xô (hoặc nước XHCN) mà còn bảo vệ Tiến sỹ cấp nhà nước là “xúc phạm” Liên Xô (!)”. Như vậy, còn động cơ nào nữa? Lại vào thư viện và lo cho gia đình (dạo này có phương thức mua xe máy bãi rác (second hand) từ Nhật gửi tàu thuỷ về Hải Phòng.

Ở Grenoble nhóm NCS chỉ dám thân với cộng đồng “việt kiều yêu nước” đa phần là công nhân sang từ trước 1945 hoặc trong kháng chiến chống Pháp. Một bầu không khí lạnh nhạt, căng thẳng giữa người từ chế độ của “ta” sang đây với những người “di tản” 1975. Giáo sư Phan Đình Diệu sang Pháp họp đã thốt lên:

“Ga Lyon đợi tàu đổi chuyến,
Gặp đồng hương mà chẳng dám mừng.
Đời chia cắt, cho người trong một nước,
Vẫn xa nhau, dù ở chốn tha hương”

Có lẽ, ở khắp nơi trên trái đất này đều có người Việt, đều cặm cụi mưu sinh và hình như lúc nào cũng cảm thấy cô đơn, khắc khoải về quê nhà. Từ Grenoble mình lại gửi về nhà nỗi nhớ thương khôn nguôi:

“Mịt mờ Gơ-nốp mưa chiều,
Bâng khuâng lòng nặng bao nhiêu là buồn.
Phố dài trở lạnh chiều hôm,
Gió lùa khe cửa từng cơn vặn mình.
Lầu cao, điện sang lung linh,
Mênh mông đèn sách. Một mình, nhớ thương”.

Đất nước đổi mới từ năm 1986 (trở về với những quy luật thông thường của nền kinh tế thị trường), nhưng những năm đầu (1987 -1990) vẫn còn khó khăn ghê ghớm, các nhà kinh tế gọi là thời kỳ “chạm đến đáy”, lạm phát 800%. Người Việt Nam đi lao động, học tập ở Liên Xô và các nước XHCN “vét” cạn hàng của nước sở tại, từ quạt “tai voi”, chậu nhôm, dây maixo đun nước, bàn là, đến thuốc sêrepa (bổ gan), quần áo. Người Việt ở Liên Xô đã phát hiện:

“Lê Nin nằm đấy mà lo,
Nước Nga không đủ maixo, bàn là!”

Trong vòng vài ba năm 1989 - 1991, thế giới xảy ra liên tiếp những sự kiện gây chấn động toàn cầu, mang tầm vóc thế kỷ: Bức tường Berlin (giữ Đông và Tây Đức) sụp đổ, Liên Xô sau 74 năm vĩ đại bỗng tan rã (thành nước Nga và các nước cộng hoà Ucraina, Belarus,…) kéo theo tất cả các nước XHCN Đông Âu trở lại mô hình tư bản (trong đó, Tiệp khắc trải qua cuộc cách mạng “nhung”, phân hoá thành hai quốc gia: Cộng hoà Séc và Cộng hoà Slovakia). Việt Nam mất nguồn viện trợ từ Liên Xô và sau 10 năm thù địch với Trung quốc (Trung quốc đánh 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam năm 1979) nay trở lại hoà hiếu (1990).

Gia đình mình, một tế bào của xã hội Việt Nam, cũng chịu những va đập, chuyển biến ghê gớm. Con trai đầu Đặng Hoàng Giang, được đi học đại học tại Cộng hoà dân chủ Đức (Đông Đức) từ 1983. Sau khi tốt nghiệp, năm 1989, không báo với gia đình (sợ gia đình không đồng ý) đã sang Áo qua đường biên giới hai nước Hungari – Áo. Buổi sáng chủ nhật tháng 9/1989, cả nhà đang xum họp ở phố Huế thì nhận được chiếc Bưu ảnh đầu tiên của Giang gửi từ Wien (thủ đô nước Áo) nói là đã ở Wien! Cả nhà rụng rời. Lúc đó ông bố vợ mình đi đâu về, cô Oanh (em vợ mình) nói ngay “thằng Giang chạy rồi”. Mình không giữ được bình tĩnh liền tát cô Oanh một cái (đến bây giờ mình vẫn ân hận), chắc vì sợ quá. Lúc ấy vấn đề “vượt biên” rất nặng nề (chỉ vài năm sau thì bình thường), những người thân ở Việt Nam có thể bị liên luỵ. Những tháng sau đó tâm trạng mình rất nặng nề. Vợ thì khóc hàng tuần liền và lo “mất con mãi mãi”. Mình (đang là Viện trưởng Viện Thông tin khoa học-kỹ thuật Trung ương) phải đến ông Vụ phó Tổ chức (là người của Công an đưa sang) của Bộ Khoa học - Công nghệ để báo cáo sự việc. Ông ấy có ý kiến là “nhắc nhở cháu đừng tham gia chính trị, tập trung chuyên môn; khi nào có điều kiện Bố sang thăm,…” Lúc đó viết thư sang Áo cũng ngại bỏ ở hòm thư trong nước mà thường nhờ người ra nước ngoài gửi.

Nhờ Trời, Phật, Tổ tiên phù hộ, sang năm 1990 Giang đã có Giấy tờ và thi thêm một số môn để chuyển bằng kỹ sư (tin học) sang hệ thống của Áo để làm việc tại Wien.

Thật trớ trêu, vào một buổi trưa năm 1990, ông Vụ phó Tổ chức của Bộ đến phòng làm việc của mình ở cơ quan và với nét mặt rất nghiêm trọng trao đổi nhỏ với mình là cậu con ông ta (đi sang Praha theo diện học nghề) đã theo một nhóm bạn xuống Bratislava (một thành phố biên giới với Áo) bơi qua sông Đanup sang xin định cư ở Áo, muốn nhờ Giang tạo điều kiện giúp đỡ!

Cuối năm 1990, con thứ hai (Đặng Hoài Minh) của chúng mình đang học (năm thứ hai) ở trường đại học Bách khoa Budapest (Hungari) gặp nhiều khói khăn do tình hình nước Hung chưa ổn định. Đứng trước hai lựa chọn: hoặc về nước học tiếp, hoặc lại phải “vượt biên” sang Áo (lúc đó Hung vẫn còn là XHCN), và gia đình, không còn hoảng sợ như năm ngoái, đã để Minh chọn phương án sang Áo, học tiếp đại học, làm NCS tại đại học Kỹ thuật Wien và làm việc tại Wien.

Từ năm 1990

Chỉ vài năm sau, từ 1992, đất nước đổi mới nhiều hơn, mọi sự đã trở nên bình thường. Năm 1992, vợ mình đã sang Wien thăm hai con (nhưng vẫn phải “chạy” tìm người quen để xin hộ chiếu), mình thỉnh thoảng đi họp ghé thăm.

Từ những năm 1993 đến năm 2000, người dân tràn đầy hy vọng và ao ước về một triển vọng tươi sáng của đất nước nhờ quá trình “đổi mới” về kinh tế phát huy rõ rệt. Rất nhiều lời nói về một “Việt Nam cất cánh”, “Theo hướng Rồng bay”, “Tầm nhìn 2020”…, nhất là sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào cuối 2005 (mà thực chất lại tái hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu).

Tuy nhiên, thực tế đất nước những năm sau đó và đến tận hôm nay đã không đáp ứng được niềm ao ước của người dân. Giấc mơ trở thành “con rồng” như Hàn quốc, Đài Loan, hoặc thấp hơn như Malaysia cũng đang trở nên xa vời, mà chủ yếu là do những khuyết tật của cơ cấu kinh tế và quản trị xã hội. Tiền bây giờ ở Việt Nam không hẳn đã thiếu, hiện nay những người Việt Nam ở nước ngoài không còn phải cặm cụi đi “lùng” hàng hạ giá, mà lao vào buôn bán đủ loại, mua được cả nhà cửa, đất đai nơi bản xứ. Các “đại gia” người Việt còn “vung” tiền hơn cả những triệu phú đôla ở các nước. Nhưng có điều gì đó cơ bản, rất đáng sợ, nó đẩy xa triển vọng phát triển lành mạnh của dân tộc, đẩy xa thời hạn “cất cánh” của quốc gia. Ở đây chỉ nói đến một điều có tính đại diện, đó là sự tha hoá (dị dạng) của giáo dục.

Giáo dục lẽ ra phải được thiết kế, chăm lo, như một nền tảng phát triển tri thức và đạo lý của dân tộc, phải đáp ứng được 3 tiêu chí: lành mạnh (không tiêu cực); tiên tiến (nội dung giảng dạy phải tương thích với thế giới); hiện đại (có cơ sỏ hạ tầng tốt). Cả 3 tiêu chí đó chúng ta đều rất kém và “lạc”. Một điều đáng sợ nhất trong giáo dục hiện nay là đa số các tầng lớp trẻ và trung lưu đang “quay lưng” với nền giáo dục trong nước, họ tìm mọi cách để con cái được đi học ở nước ngoài, từ phổ thông đến đại học, để thụ hưởng nền giáo dục hội đủ 3 tiêu chí vừa nêu. Có bạn trẻ đã nhận định một cách cay đắng (đối với ngành giáo dục nước nhà): Thời kỳ trước “Đổi mới”, thiếu ăn, o ép thì ở Việt Nam nhiều người đã phải ra đi “tị nạn chính trị”, “tị nạn kinh tế”, nay bộ mặt kinh tế của đất nước đã hoàn toàn thay đổi, tại sao lại có “phong trào” đua nhau đưa con em ra nước ngoài, như là “tị nạn giáo dục”?

* * * * *

Cầu mong những năm tháng an lành

Thế mà đã 45 năm kể từ 1971. Cả hội NCS Tiệp khắc thuở nào nay đã là lớp người “cổ lai hy (xưa nay hiếm). Cuộc đời mình đến nay đã gần 80 năm cũng đã trải qua bao nhiêu buồn, vui, hạnh phúc, lo sợ, vất vả. Từcậu học sinh chứng kiến Cải cách ruộng đất, lang thang tự túc theo đuổi việc học, đến người sinh viên, nghiên cứu sinh với nỗi cô đơn và đầy mặc cảm nơi xứ người, đã từng “phấn đấu”, ước nguyện, kỳ vọng…

Mình còn nhớ, năm 1946, ở tuổi lên 9, mỗi sáng đến trường Tiểu học tại thị trấn quê hương, cả lớp đứng hát đồng ca bài “Việt Nam minh châu trời Đông” (Việt Nam-Viên ngọc sáng ở phương Đông):

Việt Nam minh châu trời Đông,
Việt Nam nước thiêng Tiên Rồng.
Non song như gấm hoa, uy linh một phương
Xây vinh quang sáng tươi bên Thái Bình dương”.

Lời ca thanh bình, hào tráng, thiết tha đó suốt bao nhiêu năm qua vẫn ngân vang trong lòng mình. Đến hôm nay, lại nổi lên một ao ước: đến bao giờ thì hình ảnh trên đây trở thành sự thật? Mình lờ mờ cho rằng có lẽ ngoài tài năng, phải nhờ đến sự dắt dẫn của tính nhân văn cao cả, của tình yêu, của lòng nhân ái, bao dung? Mình vẫn nhớ một đoạn “triết lý” của nhà văn Nga Alexei Tolstoi “Rồi đây mọi cuộc chiến tranh sẽ kết thúc, những cuộc cách mạng sẽ thôi gào thét, chỉ còn lại tình yêu và tấm lòng em nhân hậu, dịu dàng”.

Tình yêu, niềm cảm thông, lòng nhân ái sẽ còn mãi mãi với ta, ngay cả khi ta không còn trên Cõi đời này:

“Đời xin có nhau,
dài cho mãi sau,
nắng không gọi sầu.
Áo xưa dù nhàu,
cũng xin bạc đầu,
gọi mãi tên nhau.
(Hạ trắng-Trịnh Công Sơn) ./.
 
Đặng Ngọc Dinh
Nghiên cứu sinh khóa 1971-1976 tại Praha
Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Khoa học & Công nghệ

Xem tin theo ngày: