Tin mới
Kỹ sư Đoàn Việt Trung - Người không chỉ gặp may

Ngày đăng: 14/04/2017 - 00:00:00

KS. Đoàn Việt Trung sang Tiệp Khắc năm 1969, khi mới 17 tuổi. Ông đã tốt nghiệp Khoa Điện, ČVUT. BBT xin giới thiệu bài viết của tác giả Nguyễn Thúy Hoa VOV về ông.

Ông Đoàn Việt Trung cho rằng cuộc đời mình nhiều may mắn... (ảnh: Lê Trung)
Năm 2012, trong lễ chia tay kỹ sư, Phó tổng giám đốc Đoàn Việt Trung về nghỉ hưu do Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) Nguyễn Đăng Tiến tổ chức, ai dự hôm ấy đều ấn ttượng mạnh bởi bài phát biểu cảm tưởng không giống ai của ông Trung. Chất giọng ấm, mạnh, bình thản, ngôn ngữ chính xác sinh động, tưng tửng pha chút bất cần; ông sơ kết vắn tắt cuộc đời mình có 5 chương, sinh ra và lớn lên, đi học, vào làm việc ở Đài TNVN, về nghỉ, và…đi.

Nét nổi trội nhất theo ông tự nhận, là hai chữ: May mắn!
 
Sống trong những giai đoạn khốc liệt, khó khăn của đất nước và của Đài, đã không ít lần rơi vào tình huống hiểm nguy nhưng Đoàn Việt Trung vẫn vượt qua được một cách tài tình và đi lên, thậm chí còn được trao“Giải thưởng trọn đời cho nhà kỹ thuật phát thanh”từ Hiệp Hội phát thanh truyền hình Châu Á-Thái Bình Dương (ABU), một sự vinh danh quốc tế mà trong ngành kỹ thuật phát thanh-truyền hình của Việt Nam, duy nhất mới có Đoàn Việt Trung "may mắn" nhận được.

Nhiều người vẫn nghĩ  tài ăn nói “mở miệng là thành bài” ấy của ông có lẽ cũng là do may mắn thiên bẩm, thực ra thì ông đã dụng tâm rèn luyện một cách kỳ khu, kỹ lưỡng.

Riêng bài từ biệt cơ quan và cuộc đời công tác hôm ấy, chắc chắn không phải là sự chuẩn bị của một đêm mất ngủ trước đó, mà là sự chiêm nghiệm rút ra từ cả đời người.

Phát biểu xong, Đoàn Việt Trung xách cặp rời khỏi cơ quan một mạch, rất hiếm khi trở lại.

Ký ức về biên giới phía Bắc năm 1979

Khi đất nước đang ở giai đoạn chiến tranh chống Mỹ khốc liệt nhất, ông được chọn đi đào tạo tại Tiệp Khắc (cũ), trong khi bao bạn bè của ông ra trận và ngã xuống, với Đoàn Việt Trung, đó là may và cũng là nợ.

Về nước năm 1976, ông được phân công về Ủy Ban Phát thanh-Truyền hình và được đưa lên biên giới phía Bắc năm 1979 phục vụ công tác tuyên truyền chiến đấu bảo vệ biên giới. 

Ở đấy, chính Đoàn Việt Trung đã tận mắt chứng kiến sự hy sinh của anh hùng Lê Đình Chinh. Khi đồng đội khiêng được thi thể Lê Đình Chinh về, đầu anh gần lìa khỏi cổ, máu chảy lênh láng, trong khung cảnh bi thương khốc liệt, nữ phát thanh viên của Đài phát thanh Lạng Sơn quá xúc động, khóc nấc lên, bỏ dở bản tin đang đọc. Đoàn Việt Trung đang đứng cạnh vận hành trạm phát thanh di động, không có người thay thế, ông vội giành lấy micro và tập bản thảo, vừa chỉnh máy, vừa đọc nối vào, không để gián đoạn thông tin đến đồng bào, chiến sĩ. Đó là lần duy nhất trong đời Đoàn Việt Trung làm phát thanh viên kiêm kỹ thuật viên.

Những năm tháng ở Campuchia

Chiến tranh biên giới kết thúc, tình hình tạm lắng, Đoàn Việt Trung được rút về và  xung vào đoàn cán bộ kỹ thuật, phóng viên của Đài TNVN  sang Campuchia hỗ trợbạn xây dựng Đài phát thanh quốc gia Campuchia.

Lúc ấy, nước bạn vẫn trong tình trạng chiến tranh, Polpot treo thưởng rất lớn cho việc lấy được đầu cán bộ, chuyên gia Việt Nam. Ban ngày làm việc, đêm phải thay nhau ôm súng  canh gác cơ sở phát sóng, hiểm nguy tính mạng luôn luôn rình rập.

Ông còn nhớ như in sự cố tường thuật trực tiếp lễ mit tinh đầu tiên kỷ niệm ngày quốc khánh Campuchia được tổ chức tại thủ đô Phnompenh, có đầy đủ những lãnh đạo cao nhất của bạn tham dự và cả khách mời quốc tế. Nhóm công tác của Đoàn Việt Trung được giao nhiệm vụ đảm bảo hệ thống âm thanh để phát trực tiếp trên sóng radio và phát ra hệ thống loa tại quảng trường lớn.

Chuẩn bị kỹ lưỡng nên ngay trước đó, thử loa còn oang oang, tín hiệu phát thanh rõ nét, nhưng đúng lúc buổi lễ chính thức sắp bắt đầu thì hệ thống máy đột nhiên tắt ngấm, chết lịm. Các nhân viên an ninh đứng bên cạnh nhìn nhóm kỹ thuật của Đài đầy lo lắng, nghi ngờ. Có người gay gắt: “Các anh định làm gì vậy?”.

Các cán bộ chỉ huy nóng nảy, cộng thêm sốt ruột, lo ngại sự cố có thể gây hậu quả rất lớn nên quát mắng inh ỏi.

Lúc ấy, Đoàn Việt Trung lấy lại bình tĩnh, ông đề nghị mọi người tránh ra chỗ khác.“Đứng đây cáu giận bây giờ thì giải quyết được gì!”. Rồi ông rỡ tung khối máy lạ hoắc  mới lấy từ trong kho của đối phương ra xử lý. Khi đó, lãnh đạo nước bạn đang bước lên bục phát biểu khai mạc. Đúng lúc ông bước đến trước micro thì tín hiệu có trở lại, tiếng loa đài vang vang. Anh em kỹ thuật nhà Đài sung sướng đứng lặng siết tay nhau.

Hai lần thay chuyên gia Mỹ ở công trình VN2

Năm 1997, Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ủng hộ quyết liệt Đài TNVN  phải  xây một đài phát sóng phát thanh (PSPT) hiện đại, bằng tiền của Việt Nam, làm nhiệm vụ phát sóng phát thanh đối nội và đối ngoại ra cả khu vực Đông Nam Á, góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia ở khu vực biển Đông và quan trọng hơn là đưa tiếng nói hòa bình, hữu nghị, hợp tác của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, phục vụ đường lối mở của, hội nhập của Đảng và Nhà nước.

Cho đến bây giờ, Đài PSPT VN2, đặt tại TP.Cần Thơ, vẫn là cơ sở PSPT lớn nhất khu vực theo công nghệ của hãng Harris (Mỹ). Đây cũng là 1 trong 2 công trình trọng điểm quốc gia được khởi công năm đó, bên cạnh công trình xây  Nhà ga T1 Nội Bài.  Ý thức được tầm quan trọng về chính trị - an ninh của công trình này, chỉ huy kỹ thuật của Đài lúc đó là Phó Tổng giám đốc Huỳnh Ngọc Ấn, đã chọn nhóm cán bộ, kỹ sư tốt nhất đi xây dựng, lắp đặt. Kỹ sư Đoàn Việt Trung, Phó Ban kỹ thuật phát thanh, được cử làm Kỹ sư trưởng tại công trình VN2 và VN3.

Đồng bằng sông Cửu Long chỉ thi công thuận lợi vào mùa khô, đến mùa mưa mọi việc đều đình trệ. Để đảm bảo tiến độ, phải điều phối hợp lý các nhà thầu, các công nhân kỹ sư trong nước và đặc biệt là các chuyên gia hàng đầu đến từ Mỹ. VN2 là một công trình khó, phức tạp, công nghệ cao nhất lúc đó, hiểu được trọn vẹn hệ thống đã khó, để triển khai lắp đặt hoàn chỉnh còn khó khăn, phức tạp hơn nhiều.

Ưu tiên hàng đầu là phải đảm bảo được tiến độ, chất lượng và kỷ luật.

Tại công trường, sau 3 lần cảnh báo, Đoàn Việt Trung đã cương quyết “đuổi”  hai chuyên gia Mỹ về nước và đề nghị Hãng Harris phải thay người. Lý do vì họ vừa không đảm bảo được yêu cầu công việc và không xứng với lương tư vấn lên đến 850 USD/ngày, trong khi tiền công của một kỹ sư Việt Nam lúc đó chỉ là 50.000VNĐ/ngày (với thời giá lúc đó cũng là to lắm). 

Với Đoàn Việt Trung, thời xây Đài PSPT VN2 là một trong những giai đoạn đáng nhớ nhất của đời kỹ sư. Đến giờ nhắm mắt lại, ông vẫn nhớ như in từng mối hàn, từng cột bê tông, từng đường ống phi đơ ở đó, với những bạn bè, đồng nghiệp cùng chia sẻ bao kỷ niệm vui buồn.
 
 
Ông Trung và một kỹ sư làm cán bộ phiên dịch. Sang đến nơi đúng vào lúc mùa đông đến, tuyết rơi trắng trời, nhiệt độ xuống dưới âm. Loay hoay vài ngày, việc lắp đặt không thành công, không thu được tín hiệu từ Việt Nam. Ta và bạn đều có lý của mình, đôi khi cũng tranh luận căng thẳng với nhau. Biết tiếng Nga nên Đoàn Việt Trung thoáng nghe được họ có ý coi thường năng lực của mình. Tức giận, tự ái, ông càng quyết tâm phải làm cho xong việc.

Trong cái lạnh thấu xương của nước Nga, ông cứ chạy ra chạy vào, leo lên leo xuống chảo ăng ten parabol liên tục, mặc cho máu cam từ mũi chảy tứa ra do chênh lệch nhiệt độ. Cuối cùng, chính ông đã phát hiện ra lỗi từ hệ thống thu vệ tinh của bạn và yêu cầu khắc phục. Lúc máy bật lên, tín hiệu thông, nghe rõ tiếng nói ấm áp của VOV từ quê nhà truyền sang, thì ông đứng đó, trước mặt các chuyên gia, kỹ sư Nga, một mình ôm mặt khóc!
Đấy là cái yếu đuối ẩn giấu trong tâm hồn mà Đoàn Việt Trung không muốn ai nhìn thấy.

Bạn của những người làm báo

Am hiểu cuộc sống, biết nhiều ngoại ngữ, sắc sảo nhiều khi đến mức đáo để và quyết liệt, ông chúa ghét những người thờ ơ, hời hợt, vô cảm với công việc. Tính cách ấy của  Đoàn Việt Trung vạch ra người yêu kẻ ghét rõ ràng.

Khi các đồng nghiệp khối biên tập trong Đài gặp khó khăn, khúc mắc, trên cương vị Phó Tổng giám đốc, Bí thư Đảng ủy, ông đã chủ động đến chia sẻ với họ, nhận được sự tin tưởng và đồng cảm.

Những người làm báoở VOV1, Trung tâm tin… vẫn nhớ những lần ông đến nói chuyện, ở đó ông nhấn mạnh VOV1, khối nội dung, dù có thế nào vẫn là trang nhất, tuyến đầu của Đài TNVN. “Tôi nghĩ đã làm báo và làm báo ở Đài quốc gia thì phải thật thông minh, gai góc và sắc xảo. Phải có được và giữ được phẩm chất ấy. Làm báo chán nhất là “nhạt”. Nếu không “mặn”được thì tốt nhất nên chuyển sang làm….hành chính”, ông đùa trong tiếng cười sảng khoái vốn có.

Mặt khác, ông cũng muốn đồng nghiệp kỹ thuật của mình, ngoài chuyên môn, phải nâng tầm kiến thức xã hội lên, để chia sẻ được và phối hợp thật ăn ý với anh em biên tập.

Có lần làm việc với khối kỹ thuật, nguyên Tổng Giám đốc Vũ Văn Hiền nhận xét: “Tôi có cảm giác khối kỹ thuật của Đài ta mạnh, thống nhất, đoàn kết như một khối thép!”. Ông Trung liền đáp lời: “Tổng Giám đốc nói rất đúng, khối kỹ thuật của Đài là một khối thép. Nhưng là một khối thép không lạnh!”.

Đoàn Việt Trung nhớ từng người, từng hoàn cảnh gia đình, tâm tính của những cán bộ kỹ thuật dưới quyền. Ông thích thú dõi theo sự thành đạt của họ và của cả con cái họ nữa.

Đã làm gì thì làm đến cùng, quyết liệt nhưng Đoàn Việt Trung cũng là người tiến thoái uyển chuyển, hợp lý. Năm 2011, khi Tổng biên tập VOV.vn Vũ Bích Ngọc nghỉ hưu, chưa tìm được người thay, ông đã tình nguyện đề nghị Tổng giám đốc Nguyễn Đăng Tiến cho về kiêm chức Tổng biên tập. Ở cương vị này, ông đã giải quyết được nhiều khúc mắc, tạo ra nền tảng giúp VOV.vn phát triển. Mặc dù“rất thích” vị trí Tổng biên tập VOV.VN, nhưng chỉ 6 tháng sau, khi tìm được người, ông đã quyết định bàn giao lại  nhanh chóng.

Trước đó, nhận thấy qua giai đoạn đầu, tân Tổng giám đốc Nguyễn Đăng Tiến đã nắm rõ công việc của Đài, Bí thư Đảng ủy Đoàn Việt Trung đã chủ động đề nghị nhất thể hóa chức vụ Bí thư và chức Tổng giám đốc nhằm tạo thuận lợi điều hành cho thủ trưởng…

Giờ đây, cái kỹ lưỡng, chi tiết, quyết liệt và luôn hướng đến sự hoàn hảo được ông vận dụng tối đa vào "công tác" chăm sóc, dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn phục vụ vợ con, bạn bè. Bát ông đã rửa, nhà ông đã dọn thì cứ phải bóng loáng, sáng choang như lau như li mới thoả.

Đoàn Việt Trung đang tận hưởng cuộc sống bằng những chuyến đi, các môn thể thao như tennis, golf và đặc biệt là cà phê "chém gió" với bạn bè, chia sẻ với nhau những khó khăn, khúc mắc và dõi theo những bước đi của Đài TNVN, nơi ông gắn bó trọn cuộc đời làm việc.

Ông vẫn nói, cuộc đời cần nhất là Bình an, chỉ mong cho người thân, bạn bè và bản thân bao giờ cũng được Bình an. "Bình an, Bình An, Bình an- Đó là điều quí giá nhất!".
 
Bà Đặng Minh Huệ- Phó GĐ VOV4: “Khi ông cất lời trong cuộc họp, thế là tất cả các đôi tai dỏng lên,chăm chú lắng nghe. Tâm trí người nghe được khuấy động bởi những ý tưởng. Rồi lại cười rung bần bật bởi những câu từ…”

Ông Nguyễn Năng Khang, Phó GĐ Trung tâm âm thanh-VOV: Năm 1997, tôi có dịp làm việc dưới quyền ông tại dự án lắp máy cho Đài PSPT VN2. Biết ông là một tay chơi nhạc và thể thao từ hồi còn đi học tại Tiệp Khắc, khi đó ông gần 50 tuổi, nhưng đá bóng với ông chúng tôi vẫn…rất “sợ” vì ông khỏe và tốc độ. Vì không thể kèm ông ở khu vực giữa sân, anh em bàn với nhau dồn ông vào gần tường rào xây bằng gạch, hy vọng ông thấy bề mặt sần sùi của bức tường mà giảm tốc. Nhưng chúng tôi đều nhầm vì ông khéo léo đi bóng rất sát nhưng không bao giờ va vào tường. Khả năng kiểm soát bản thân trong giới hạn tưởng chừng rất mỏng manh là một trong những kỹ năng gần như bẩm sinh ở ông!

Nguyễn Thúy Hoa VOV
 

Xem tin theo ngày: