Tin mới
Cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc

Ngày đăng: 07/06/2017 - 10:20:02

Trong không gian ấp áp tình bè bạn, những tiếng cụng ly lách cách hòa quyện cùng lời hát, tiếng kèn ngợi ca vẻ đẹp đất nước, con người và tình hữu nghị giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc...

Đại sứ Cộng hòa Séc tại Việt Nam (ngoài cùng bên phải), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Cộng hòa Séc (đứng giữa) và ông chủ Hoa Viên Ngô Hồng Chuyên (ngoài cùng bên trái) chia sẻ niềm vui trong buổi gặp mặt hữu nghị Việt – Séc.
Nói đến hệ thống nhà hàng Hoa Viên, nhiều người nghĩ ngay đến những cốc bia tươi hảo hạng mang thương hiệu Cộng hòa Séc. Nhưng sự thật là nơi đây không chỉ có bia, mà còn có tình cảm đầy ắp mà những người đã từng học tập, công tác tại Cộng hòa Séc dành cho nhau; là những kỷ niệm về một đất nước tươi đẹp vẫn luôn in dấu trong trái tim mỗi người.
 
Tối 6-6, tại nhà hàng Hoa Viên, số 1A Tăng Bạt Hổ, Hà Nội (thuộc hệ thống nhà hàng Hoa Viên) đã diễn ra một sự kiện khá đặc biệt. Đó là buổi gặp mặt hữu nghị Việt – Séc, với sự có mặt của Đại sứ Cộng hòa Séc tại Việt Nam Vitezslav Grepl, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Cộng hòa Séc Robert Lelikán, nhiều vị khách đến từ Cộng hòa Séc và đông đảo người Việt Nam đã từng học tập, công tác tại Séc.
 
Phát biểu tại buổi gặp mặt hữu nghị, ngài Robert Lelikán cho rằng, buổi tối ấm áp này là minh chứng cho thấy mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa nhân dân hai nước đang ngày càng phát triển.
 
“Cộng đồng người Việt tại Séc là một cộng đồng thân thiện, đáng yêu. Và cá nhân tôi luôn thấy hạnh phúc khi được tiếp xúc với những con người ấy”, ngài Bộ trưởng Bộ Tư pháp Cộng hòa Séc chia sẻ.
 
Bày tỏ niềm vui khi được đón tiếp những người bạn đến từ Cộng hòa Séc, nơi mình đã có thời gian dài làm việc, ông chủ của hệ thống nhà hàng Hoa Viên Ngô Hồng Chuyên, Lãnh sự Danh dự Cộng hòa Séc tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ với phóng viên rằng, những năm 1990, khi đưa công nghệ và nguyên liệu từ Séc về nấu bia tại Việt Nam, ông chỉ nghĩ đó không đơn thuần là chuyện kinh doanh, mà còn là cách để gặp gỡ bạn bè, đặc biệt là những người từng ở Séc. Và nay ông vẫn luôn tâm niệm, việc mở quán bia với ông không chỉ là chuyện làm ăn kinh tế, mà đó còn là cách xây nên “cầu nối văn hóa” giữa Việt Nam và Séc.
 
Nói đến Séc, nhiều người nghĩ đến những sản phẩm đặc trưng nổi tiếng như pha lê Bohemia, các loại máy cắt gọt kim loại, hay những đôi giày bata. Và đương nhiên không thể không “điểm danh” một đặc sản nức tiếng trên toàn thế giới. Đó là bia!
 
Với việc sở hữu loại bia được làm đúng quy trình, bằng công nghệ cũng như nguyên liệu nhập khẩu trực tiếp từ Cộng hòa Séc, Hoa Viên đã trở thành địa chỉ được nhiều người Việt Nam biết đến, đặc biệt là tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Bình Thuận.
 
Không gian nhà hàng Hoa Viên mang đậm văn hóa Séc. Ở tầng 1, ngoài trưng bày các loại bia của Hoa Viên, còn có những chiếc bát gỗ đựng hạt lúa mạch đến từ vùng Bohemia nổi tiếng, hay lọ pha lê chứa những bông hoa bia của vùng Zatec. Tại đây còn có 2 lò nấu bia bằng đồng đỏ sáng loáng. Dọc tường chạy bên cầu thang dẫn lên các tầng trên của nhà hàng là những bức ảnh đen trắng, tái hiện quy trình làm bia của người dân Séc, và cả những tấm bảng liệt kê nguyên liệu phục vụ cho việc nấu các loại bia. Những vỏ chai bia được sản xuất tại Séc; kết cấu vòm cong trong trong các quầy hàng; bảng ảnh về các nhân vật lịch sử và những thành phố cổ của Séc...Tất cả đang thể hiện sinh động một phần văn hóa Séc ở Hoa Viên.
 
Ông Đặng Thành Phu, quê Tuy Phước, Bình Định, nay sống tại Hà Nội tâm sự: Ông thuộc nhóm “100 đứa trẻ” đầu tiên của Việt Nam được sang học tập tại Séc từ năm 1956 – 1959. Đến năm 1965, ông lại tiếp tục sang Séc học đại học, rồi sau này về công tác tại Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam. Lâu nay, Hoa Viên đã trở thành “điểm hẹn” của những người từng có thời gian ở Séc như ông. Đến đây, mọi người tìm lại được hương vị của bia Séc; được hàn huyên ôn lại những tháng ngày đầy ắp kỷ niệm đẹp bên nước bạn. Đây cũng là nơi ông cùng bạn bè gặp gỡ những người bạn đến từ Cộng hòa Séc, hoặc tham gia những buổi gặp mặt hữu nghị hết sức ý nghĩa như tối nay.
 
Trong không gian ấp áp tình bè bạn, những tiếng cụng ly lách cách vui tai quyện hòa cùng lời hát, tiếng kèn ngợi ca vẻ đẹp đất nước, con người và tình hữu nghị giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc...
 
Theo chủ nhân nhà hàng bia Hoa Viên, ông Ngô Hồng Chuyển thì hàng ngày có vài trăm người Việt tới uống bia ở nhà hàng.
 
Hiện ông Chuyển có tổng cộng 5 nhà hàng bán bia Séc. Hai ở Hà Nội, hai ở thành phố Hồ Chí Minh và một ở thành phố biển. Cái đầu tiên mở trước đây hơn 25 năm ở thành phố Hồ Chí Minh. Theo ông Chuyển, khi đó người Việt Nam không biết quá nhiều về nước Séc, và trước đây là Tiệp Khắc. Còn ngày nay họ biết bia Séc là ngon nhất thế giới.
 
Ông Chuyển hiện cũng là lãnh sự danh dự của Séc tại thành phố Hồ Chí Minh, ông đã học thợ điện ở Diváky thuộc Nam Morava và hiện nay vẫn nói tốt tiếng Séc. „Tôi thích bia và 100 phần trăm biết rằng bia Séc đặc biệt là bia Plzeň là ngon nhất,“ ông nêu lý do quyết định xây dựng các cửa hàng bia Séc.

Nguồn tin: BẮC HẢI (QĐND Online)


Xem tin theo ngày: