Tin mới
Nhớ những ngày đầu ở Séc

Ngày đăng: 03/07/2020 - 00:00:00

Nhớ những ngày đầu ở Séc

 
Praha cổ kính, duyên dáng đây rồi! Thế là lại một lần nữa tôi được đặt chân đến mảnh đất đầy huyền thoại ở ngay giữa lòng châu Âu. Dù đây đã là lần thứ 3 tôi đến thành phố thơ mộng, đáng yêu này, nhưng vẫn không tránh khỏi bâng khuâng, hồi hộp như những lần trước đây tôi đến thăm đất nước này khi còn là nước CHXHCN Tiệp Khắc. Tôi biết, đất nước tôi có mối quan hệ truyền thống với nhân dân Séc từ rất lâu. Nhớ lại những ngày kháng chiến chống quân xâm lược, nhân dân Séc đã kề vai sát cánh, chia sẻ ngọt bùi cùng nhân dân Việt Nam và cùng với bè bạn quốc tế đã tiếp thêm sức để làm nên chiến thắng, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Các thế hệ người Việt Nam chúng tôi mãi mãi ghi nhớ và biết ơn những tình cảm đậm đà, thủy chung của bạn bè, anh em. Bởi vậy, hôm nay tôi nhận quyết định sang làm việc tại Séc, được ở ngay giữa lòng thành phố Praha, làm sao tôi không bồi hồi, xúc động? 
 
Tôi nhớ lại năm 1990 tôi sang Nga tổ chức Hội nghị cán bộ Đoàn toàn Châu Âu, sau Hội nghị tôi sang làm viêc với Bab Cán sự Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tại Tiệp Khắc, anh Vũ Tớt, anh Trung ở Ban Cán sự Đoàn của Đại sứ quán dẫn tôi đi thăm "Cầu Tình" bắc ngang sông Vltava theo cách gọi của người Việt tại Séc (trước năm 1870, gọi là cầu Đá hay cầu Praha, sau 1870 người Séc gọi là cầu Karlův- Cầu Vua Karel). Cầu dài gần 516 m, rộng gần 9,5 m, được đặt trên 16 trụ bằng đá, là cầu nối liền Malá strana với Staré město. Vẻ đẹp nên thơ của cầu là 30 cụm tượng đài dọc hai bên thành cầu được các nhà điêu khắc tài hoa xưa kiến tạo theo các sự tích lịch sử, tôn giáo và thần thoại. Đây là một trong những địa danh du lịch nổi tiếng nhất của Praha; không chỉ đơn thuần là một chiếc cầu bắc qua sông Vltava hiền hòa thơ mộng, mà với gần 700 năm tồn tại từ sau khi được xây dựng lại vào năm 1357, đã in đậm dấu ấn trong lịch sử quốc gia này và người Séc coi đó như một niềm tự hào dân tộc; và cùng với rất nhiều di sản văn hóa nổi tiếng khác ở Praha và Cộng hòa Séc, như là sự hiện thân của một nền kiến trúc tuyệt đỉnh mà tổ tiên họ đã lưu truyền lại cho hậu thế.
 
Thời gian tôi ở thăm Tiệp Khắc và Praha đã để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc. Những ngày cuối chuẩn bị lên đường, tôi đã không sao ngủ được khi nhớ lại những gì tôi đã đi và thăm và những kỷ niệm không thể nào quên đó cứ vấn vương mãi trong lòng. Bài thơ: “ Vấn vương Praha” tôi viết vào năm 1989, khi Tiệp khắc đang có những đổi thay căn bản, nhưng Praha vẫn là Praha cổ kính, thành phố cổ trên sông rất huyền diệu và thơ mộng:
 
Gặp nhau một thoáng "Cầu Tình"
Quảng trường " Con Ngựa" lung linh ánh đèn
Gặp nhau một thoáng đừng quên
Phố treo đỉnh núi nhà bên mé rừng...
 
Những gì mà tôi đã được xem và thấy ở Praha cũng như ở Séc cứ vấn vương hoài. Có người hỏi tôi: hình như tác giả đã lưu luyến, nhớ ai đó ở đây? Bởi vì sang Châu Âu “rất thoáng” mà, nhưng tôi đâu có vấn vương với cô bạn gái Séc xinh đẹp nào mà chỉ có những vấn vương nỗi nhớ Praha luôn đeo đẳng tôi cả khi làm việc, khi ăn, khi ngủ, khi chơi và cả trong mơ nữa; chúng khắc họa trong tôi thành những vốn sống của cuộc đời. Nhiều đêm tôi trằn trọc suy ngẫm: vì sao sau bao nhiêu thế kỷ, trải qua bao nhiêu cuộc chiến tranh và bụi trần của thời gian mà thành cổ Praha vẫn nguyên vẹn, với vóc dáng cổ kính, huyền thoại, như một câu thơ tôi đã viết:
 
“... Gương trong chẳng vướng bụi trần can qua”...
 
Nếu bạn có dịp tìm hiểu sâu hơn về thành phố Praha thì càng thêm mến yêu và say đắm nó. Rất ít có thành phố nào vừa có núi (có những 5 ngọn núi, đồi xanh biếc chầu ngắm thành phố); có rừng phủ một thảm xanh dày đặc bao quanh thành phố; vừa có sông Vltava trong xanh, hiền hòa, phẳng lặng, rất thơ mộng, uốn khúc, luồn lách chảy giữa lòng thành phố, làm tôn thêm vẻ đẹp cổ kính, trữ tình. Chắc rằng có bao nhiêu cô gái chàng trai yêu nhau đã dắt tay nhau đi trên "Cầu Tình" để ngắm dòng sông lững lờ trôi, ngắm thành phố lúc nửa đêm với những ánh đèn màu sặc sỡ, nhấp nhô tỏa sáng, đan xen từng chùm biệt thự, từng dẫy phố trên sườn núi, ẩn náu bên cạnh bìa rừng trông như một bức tranh thủy mặc, tuyệt diệu làm sao. Dưới sông từng đàn thiên nga trắng, con bay con lượn quấn quýt bên người, bên con tàu, lộng lẫy đèn hoa dẫn du khách thăm đêm, càng cảm nhận thấy niềm vui, hạnh phúc, cuộc sống thanh bình, như yêu mến nhau hơn.
 
Đúng là:  “Đêm trăng rằm rảo bước ngắm trăng lên
Bụi trăng trải trên mặt sông phẳng lặng
Chiếc thuyền con, từng đàn thiên nga trắng
Và con tàu dẫn du khách thăm đêm”...
 
Bạn là nhà điêu khắc, chắc bạn sẽ thích thú tìm hiểu xem thành phố có bao nhiêu tượng đài cổ tuyệt đẹp, có giá trị nghệ thuật cao ? Một người bạn tôi, anh Phan Văn Việt, đang công tác ở Đài truyền hình Việt Nam, đã học Đại học ở Tiệp từ những năm 1968 – 1973 nói: thành phố có hơn một nghìn tượng đài khác nhau; Václavské náměstí nằm giữa trung tâm Praha, có tuyệt tác là tượng đài "Con Ngựa". Vì thế các du khách đến thăm Quảng trường đều chụp hình kỷ niệm, bởi nghe nói nếu chưa đến đây cũng đồng nghĩa là chưa đến Praha.
 
Chúng tôi đến thăm Staroměstské náměstí mà người Việt hay gọi Quảng trường "Con Gà" để ngắm những khu nhà thời kỳ Phục Hưng, chiêm ngưỡng những tượng đài tuyệt tác, và đặc biệt để chiêm ngưỡng một trong những di sản văn hóa thế giới nổi tiếng nhất của CH Séc - Staroměstský orloj. Chiếc đồng hồ cổ kính, từ xa xưa người Séc đã biết sáng chế ra nó với một kỹ thuật tuyệt hảo và độc đáo luôn là điểm hội tụ du khách thập phương mỗi khi đồng hồ sắp điểm giờ với sự xuât hiện của các bức tượng thánh và tiếng gà gáy rất đặc trưng.
 
Có một buổi tối, tôi cùng chị bạn ở bên Hungari sang (chị Thoa), chúng tôi được anh Hương, một doanh nghiệp Việt Nam quê ở Nam Định đang ở Praha, đưa đi thăm khu Pražský hrad với những lâu đài, thành quách, nhà thờ, cung điện, vườn thượng uyển cổ kính, xuất hiện từ thế kỷ thứ 9. Đây là một trong những địa danh tập hợp những công trình kiến trúc nổi tiếng thế giới, thật là hùng vĩ, hoành tráng, càng khâm phục tài hoa của con người, từ xa xưa đã làm nên những công trình vĩ đại. Xét về mặt kiến trúc học, có thể nói là một sự hài hòa hoàn hảo. Tôi đã may mắn có dịp được chiêm ngưỡng Ăng Co Thơm, Ăng Co vát ở Căm Pu Chia; Nhà hát xây dựng theo hình tượng con sò ở Sydney-Australia; những công trình kiến trúc cổ ở Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga, Mỹ... Mỗi nơi có một vẻ đẹp riêng, kiểu dáng kiến trúc, thẩm mỹ khác nhau, nhưng ở đây thể hiện rõ nét kiểu kiến trúc Gotích, toát lên sự cổ kính, huyền bí, nhất là khi xem những bức tranh điêu khắc trong Nhà thờ Thánh Víta trong khu Pražský hrad. Từ trên độ cao của công trình, chúng tôi có thể chiêm ngưỡng, ngắm nhìn thành phố Praha vào ban đêm lung linh trong sắc màu huyền ảo, xa xa những ngọn tháp mạ vàng óng ánh nhấp nhô, chói sáng, tạo cảm giác như những điểm nhấn để du khách dễ nhận ra, chỗ ấy là đâu? Đi sâu vào khám phá Praha, tôi mới nhận ra rằng đây là một thành phố rất cổ kính, thơ mộng, huyền diệu, thanh bình; ở trong lòng nó chứa đựng biết bao báu vật, bảo vật. Các công trình kiến trúc ở Praha rất hài hoà, cân đối, trang trí tao nhã, gần gũi với thiên nhiên, mây trời, gợi cảm, nhiều chất thơ.
 
“Anh nhớ Sông Hồng quê mẹ nôn nao
Nước phù sa tắm tuổi thơ trong trắng
Ôi Hà Nội- Praha có dòng sông in bóng
Cần mẫn tháng năm cõng thành phố trên sông”...
 
Praha 7/2005 (còn nữa)
(Nhà văn Nguyễn Quốc Lập)
 

Các tin khác:
Xem tin theo ngày: