Tin mới
Gặp gỡ giao lưu học sinh học nghề và thực tập sinh tại Tiệp Khắc cũ

Ngày đăng: 14/06/2018 - 15:48:58

Tối thứ 4 ngày 13.6.2018, tại nhà hàng Đông Đô trong TTTM Sapa, Ban liên lạc Hội học sinh học nghề (HSHN) và Thực tập sinh (TTS) đã tổ chức buổi gặp mặt các anh chị em Cán Bộ Vùng, Phiên Dịch, HSHN -TTS qua các thời kỳ của Tiệp Khắc cũ từ năm 1974... Đây là buổi gặp mặt giao lưu thường niên năm 2018 và là lần thứ 3. Hơn 100 người từ các nước và các vùng miền ở Séc đã tham dự. Nhiều người trong số họ có tới cả 40 năm nay mới gặp mặt lại nhau.

Ông Đỗ Văn Mùa – thay mặt ban liên lạc đã khai mạc và cùng những người có mặt nhắc lại những kỷ niệm vui buồn một thời, những kỷ niệm thời trai trẻ ở Tiệp Khắc, những ký ức không thể phai mờ. Tại Việt Nam năm ngoái cũng đã tổ chức gặp mặt các anh chị em HSHN -TTS qua các thời kỳ của Tiệp Khắc cũ mà có sự tham dự của tới 3 ngàn người.
 
Trong dịp này có anh Lê Hồng - nguyên bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam ở Tiệp Khắc, phụ trách HSHN -TTS Việt Nam tại Tiệp Khắc cũ thời kỳ 1980-1984 từ Việt Nam cũng sang tham dự. Ông nay đã hơn 80 tuổi và là một trong những người đã có nhiều tư duy đổi mới từ thời kỳ đó và đã để lại nhiều tình cảm với các học sinh học nghề và thực tập sinh. Ông Lê Hồng cho biết, ông rất cảm động và tự hào vì các anh các chị đã chọn Tiệp khắc là nơi đất lành chim đậu để ở lại và cùng cộng đồng Việt nam tại Tiệp khắc trở thành một dân tộc thiểu số.
 
Ông Nguyễn Quốc Dũng, hiện đang định cư ở miền tây nước Mỹ lần đầu tiên được tham dự cuộc gặp mặt đông đảo những người sang Tiệp Khắc theo hiệp định đầu tiên mà gồm 9 đợt từ những năm 1974 tới cuối những năm 70 của thế kỷ trước. Ông Dũng sang Tiệp Khắc năm 1975 tới 1988, đã học ở Teplice và sau đó có làm phiên dịch, phụ trách các đội ở các vùng của Séc và đầu những năm 90 sang Mỹ. Ông vẫn nhớ đầy ắp những kỷ niệm vui buồn khi đang còn tuổi thanh niên với những người đều ở lứa tuổi 18 và gửi gắm tuổi thanh niên ở Tiệp Khắc và nhiều người đã coi đây là quê hương thứ 2. Gần 30 năm mới quay lại Séc, ông rất mừng khi thấy cộng đồng người Việt ở Séc rất phát triển. Ngày xưa muốn ăn một tô phở cũng không biết có ở đâu, còn bây giờ có thể thưởng thức mọi đồ ăn đặc sản Việt Nam ở Séc. Cơ ngơi của người Việt tại đây rất đàng hoàng và vững chắc, cộng đồng đoàn kết gắn bó. Ông vẫn nhớ ông Lê Hồng, người đã chỉ bảo và giúp đỡ mình, đã động viên mọi người cần học hành, làm việc và lo lắng cho gia đình ở Việt Nam đang rất khó khăn. Ông Hồng đã đưa lại những nguồn cảm hứng mới, gợi cho mọi người nhớ về quê hương nhiều hơn. Từ đó anh em chịu khó học và làm ăn chăm chỉ hơn do đó bây giờ nhiều người rất thành đạt. Ông  cảm thấy cảm thấy cuộc sống của người Việt ở Séc cũng không khác ở Việt Nam.
 
Chị Xuyên sang Tiệp khắc từ năm 1968 khi mới 19 tuổi, năm nay chị đã 69 tuổi. Chị cho biết „Cả một chặng đường dài tôi sống ở CH Séc hơn 49 năm. Đã chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng của nước Séc diễn ra như sự kiện năm 1968 hay Cách mạng Nhung, đã từng làm phiên dịch cho 6 đoàn...“ Nhắc lại những kỷ niệm của thời thanh xuân chị rất xúc động và mong mỏi rằng anh chị em cố gắng nuôi dạy con cháu trưởng thành, sống vui vẻ và luôn nhớ về nhau.
 
Mọi người gặp nhau tay bắt mặt mừng, ôn lại những kỷ niệm vui buồn một thời, những kỷ niệm thời thanh xuân cũng như về cuộc sống hiện tại. Các anh chị em cùng đọc tên từng cựu học sinh học nghề và cả địa danh họ từng sống, với tên tục gắn bó với họ trong sự vui mừng của ngày gặp mặt.
 
Bốn mươi năm gặp lại sau ngày đặt chân đến Tiệp khắc, vẫn không khí thanh niên sôi nổi ngày nào, những cựu học sinh nay tóc đều bạc, đeo kính và lên chức ông, chức bà cùng nhau ôn lại những kỷ niệm khó quên “cười ra nước mắt” của những năm tháng sống và học tập ở Tiệp khắc cũ khi họ là những thanh niên mười tám đôi mươi lần đầu đi tây. Hàng ngàn người đi từ đợt 1 đến 9 đa số là nam giới, là những thanh niên ưu tú, là đoàn viên. Một môi trường mới mẻ và kỷ luật “sắt” đề ra nhằm giữ vững tư tưởng và tác phong trong suốt thời gian học tập trên đất bạn như: Không quan hệ với phụ nữ và khi có bạn gái tới chơi, nói chuyện phải mở cửa phòng. Đi đâu phải đi 3 người trở lên, không được mặc quần bò, quần áo mầu sắc lòe loẹt, tóc dài. Không ai được đi nhảy và quan hệ với phụ nữ Tây. Để tóc dài, mặc quần ống loe, trốn đi xem phim không báo cáo có thể bị đuổi về nước. Có một đơn vị 100 người có khi tới 6 người bị đuổi về vì những điều như vậy.
 
Phần lớn các cựu học sinh học nghề thời gian này (5 năm trong đó học 3 năm và thực tập 2 năm) sau thời gian học tập đã trở về Việt Nam, chỉ những người chọn được ở lại làm phiên dịch và làm cán bộ thì được ở lại lâu hơn. Nhiều người sau thời gian quay trở lại Séc làm ăn và sinh sống. Đa số những này người ở lại hay sang lại Séc có cuộc sống ổn định.
 
Cũng trong buổi gặp mặt này, ông Đặng Đình Thịnh được bầu làm trưởng ban liên lạc Hội học sinh học nghề (HSHN) và Thực tập sinh (TTS) tại Tiệp khắc cũ. Ông cho biết trong thời gian tới sẽ chọn ra những người nhiệt tình và quan tâm tới từ các vùng miền ở Séc vào ban liên lạc để thúc đẩy hoạt động đi vào chiều sâu cũng như sẽ thảo ra tiêu chí sinh hoạt cũng như quyền lợi và nghĩa vụ của các thành viên Hội.

Nguồn tin: http://www.secviet.cz


Xem tin theo ngày: